Doanh nhân
Doanh nhân Huỳnh Văn Thòn: Gạo Việt không còn vô danh nữa
Phong Lan - 16/10/2022 15:26
Với doanh nhân Huỳnh Văn Thòn và Tập đoàn Lộc Trời, sứ mệnh cùng nông dân phát triển bền vững đang tiếp tục ghi những dấu ấn lớn.
Doanh nhân Huỳnh Văn Thòn

Giọt nước mắt hạnh phúc

Khi nhìn thấy gói gạo có hình chữ S đỏ thắm mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” xuất hiện trên các kệ hàng ở 2 hệ thống siêu thị lớn nhất châu Âu là Carrefour và Leclerc, nhiều người Việt đã rất xúc động.

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cũng không ngăn được những giọt nước mắt hạnh phúc. “Cơm Việt Nam sẽ có mặt trong bữa ăn của bà con kiều bào Việt Nam, cũng như biết bao người ở châu Âu. Gạo Việt không còn vô danh nữa. Tôi đã mơ về ngày này từ lâu”, ông Thòn chia sẻ.

Hai năm trước, từ tháng 9/2020, Lộc Trời đã là đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo vào châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Lộc Trời đã bán hơn 80.000 tấn gạo các loại vào thị trường này từ đó đến nay.

Nhưng tháng 9/2022 lại là dấu mốc hoàn toàn khác. Lộc Trời trở thành doanh nghiệp đầu tiên, chủ động và tự tin bước vào sân chơi quốc tế bằng việc bán gạo mang thương hiệu riêng của mình - Cơm Việt Nam Rice, vào Carrefour và Leclerc, hai hệ thống phân phối hàng đầu với tổng cộng gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích trên toàn nước Pháp.

Để thực hiện được việc này, gạo Lộc Trời không chỉ đáp ứng những yêu cầu cao nhất mà thị trường châu Âu yêu cầu về quy trình canh tác, bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn, mà còn là tính bền vững và ưu tiên bảo vệ con người, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Các lô gạo xuất sang châu Âu thường được đặt hàng trước 4 - 12 tháng để Tập đoàn có đủ thời gian tổ chức sản xuất tại vùng nguyên liệu riêng theo quy trình canh tác khoa học với bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng chủ yếu do Lộc Trời tự sản xuất, hài hòa giữa sinh học - hóa học - hữu cơ, sự hỗ trợ kỹ thuật liên tục của đội ngũ ba cùng và nguồn tài chính để bà con yên tâm sản xuất, tuân thủ tuyệt đối các quy trình đề ra. Việc thu hoạch tại ruộng, vận chuyển, sấy lúa và lưu kho cũng được thực hiện trong thời gian phù hợp để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời đăng quang giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022 với Hệ thống Quản lý liên kết sản xuất nông nghiệp

Tâm huyết với “hạt ngọc trời”

Sau 30 năm gây dựng và phát triển, từ một doanh nghiệp địa phương quy mô nhỏ, đến nay, hệ sinh thái của Tập đoàn Lộc Trời đã trải rộng, có mặt ở tất cả lĩnh vực thiết yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ nông nghiệp kỹ thuật cao, tài chính và cả thị trường tiêu thụ cho bà con nông dân.

Nhưng điều mà ông Thòn và Lộc Trời tự hào nhất, đó là đã thành công khi giúp nông dân sản xuất trên những cánh đồng lúa quy mô lớn, ra được những sản phẩm chất lượng cao hàng đầu Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, truy xuất được nguồn gốc và đáp ứng chỉ tiêu chất lượng cao của các thị trường khó tính như châu Âu.

Tham gia chuỗi sản xuất của Lộc Trời, nông dân xuống giống theo kế hoạch, theo đơn đặt hàng, giảm thiểu áp lực thừa cung, “được mùa mất giá”, tắc nghẽn sản xuất do xuống giống đồng loạt theo truyền thống. Mô hình liên kết sản xuất Lộc Trời là mô hình “bao lợi nhuận”, đảm bảo lợi nhuận cố định, ổn định cho nông dân, tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

Để thực hiện mô hình này, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp của Lộc Trời trực tiếp “xuống đồng” hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các quy trình canh tác, quản lý mùa vụ. Mô hình này đã được thực hiện tại huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) với quy mô lên tới 30.000 ha và sẽ tiếp tục mở rộng ra các địa phương khác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

24 nhà máy sở hữu và liên kết được phân bổ khắp Đồng bằng sông Cửu Long với năng lực sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày, cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, cho phép Lộc Trời đáp ứng được các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, đặc biệt cho các thị trường xuất khẩu cao cấp như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… thông qua quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Từ rất sớm, gần chục năm về trước, ông Thòn và các cộng sự đã ấp ủ những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo chuỗi và chủ động ở mọi khâu, đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trung tâm nông nghiệp Định Thành được xây dựng và đầu tư quy mô, ở đó các nhà khoa học có thể chuyên tâm nghiên cứu tạo ra nhiều giống lúa tốt, có thể kể tới như Lộc Trời 28 - quán quân gạo thơm thế giới năm 2018 và Giải nhất gạo ngon thương hiệu Việt vào tháng 1/2022.

Nhiều định chế tài chính lớn như TPBank, HDBank, BIDV, VPBank, Mizuho, HSBC, May Bank… đã đồng tài trợ 12.000 tỷ đồng cho toàn bộ chuỗi sản xuất - cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu, giúp giảm thiểu đáng kể chi phí tài chính so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây.

Theo ông Thòn, làm việc với nông dân phải có tình, thật lòng và xả thân. Chớ lấy bản hợp đồng với nông dân và những quy định pháp lý rạch ròi để xử lý công việc, mà chỉ nên coi như một bản thỏa thuận phân công công việc, bên nào làm chưa xong, chưa hoàn thành thì nhắc nhau.

“Làm việc có tình nhưng phải biết tính, dẫn dắt nông dân những cách làm mới, có hiệu quả cao để cuộc sống của họ sung túc hơn, có thu nhập cao hơn, họ sẽ tin và ủng hộ mình”, ông Thòn chia sẻ.

Hiện thực hóa giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Cho đến nay, Lộc Trời là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Công ty đã triển khai sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để cung cấp các dịch vụ cơ giới hóa phục vụ mùa vụ nhằm nâng cao chất lượng nông sản, giữ an toàn cho sức khỏe của bà con nông dân. Lộc Trời đang sở hữu gần 200 thiết bị bay không người lái và đội ngũ vận hành hơn 200 người, cung cấp các dịch vụ như phun thuốc bảo vệ thực vật, sạ giống, rải phân bón…

Với công suất 20 - 30 ha/ngày, thời gian phun nhanh, có thể tiết kiệm lượng nước sử dụng lên đến 90% và lượng hóa chất sử dụng trên 30% so với cách phun thông thường, dịch vụ drone của Lộc Trời mang lại hiệu quả cao trên cây lúa và nhiều loại cây trồng khác, đồng thời bảo vệ sức khỏe con người, giảm ô nhiễm môi trường.

Dịch vụ drone của Lộc Trời đã được sử dụng trên nhiều loại cây trồng với nhiều địa hình khác nhau. Cụ thể, Tập đoàn đã thử nghiệm dùng drone để phun trên dưa hấu tại tỉnh Vĩnh Long và sầu riêng tại TP. Cần Thơ, trên chuối tại Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều loại cây trồng khác.

Bên cạnh drone, Lộc Trời cũng tiên phong xây dựng các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ bà con nông dân kịp thời và hiệu quả. Tháng 11/2019, ứng dụng “Bệnh viện cây ăn quả” được giới thiệu đến bà con nông dân. Một năm sau, Lộc Trời tiếp tục giới thiệu ứng dụng “Bệnh viện cây lúa”. Cả hai ứng dụng này đều bao gồm nhiều chuyên mục hữu ích như tin tức, tài liệu kỹ thuật, phác đồ điều trị các loại dịch hại… Đặc biệt, bà con nông dân có thể đặt câu hỏi, gửi chụp mẫu bệnh cây vào mục Hỏi và Đáp để các “bác sỹ” chẩn đoán, tư vấn kỹ thuật.

Đổi mới và sáng tạo, chuyển đổi số đang trở thành văn hóa doanh nghiệp ở Lộc Trời, dù vậy ông Thòn và Lộc Trời vẫn giữ vẹn nguyên một triết lý từ những ngày đầu hoạt động. Đó là “Phân phối và phân phối lại lợi nhuận một cách hợp lý và đạo lý”. 

Ông từng chia sẻ, trong mối quan hệ doanh nghiệp - nhà nông, nếu không thực hiện nguyên tắc “ăn đồng, chia đủ” sẽ nhanh chóng bị chấm dứt.

Cũng phải nói thêm, nhiều chuyển động, nhiều cách làm mới ở Lộc Trời hiện nay đến từ đam mê và khát vọng của Ban điều hành và đội ngũ quản trị với nhiều gương mặt trẻ.

Trong số này phải kể đến ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc, người đã nhiều năm làm quản lý cao cấp cho một tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia nổi tiếng, hay ông Philipp Rosler, cựu Bộ trưởng Kinh tế của Đức với vai trò làm cầu nối đưa sản phẩm của Lộc Trời tới thị trường châu Âu.

Họ đã đến với Lộc Trời bởi ông Thòn, sự tin tưởng của ông với thế hệ trẻ kế cận và cũng bởi mục tiêu ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp của Lộc Trời, đưa được thương hiệu nông sản Việt Nam ra thế giới.

Hành trình tái cấu trúc mà Lộc Trời triển khai 3 năm qua đã bắt đầu cho quả ngọt khi năm 2021, Tập đoàn đạt tốc độ tăng trưởng kép cả về doanh thu và lợi nhuận 2 con số.

Cho đến nay, ngành lương thực đã đóng góp tỷ trọng xấp xỉ 50%. Lộc Trời ngày càng được bà con nông dân tin cậy và yêu mến, truyền lửa cho họ có thêm động lực và lạc quan với triển vọng của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Hành trình xây dựng và phát triển Tập đoàn thành một công ty dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp Lộc Trời vươn lên mạnh mẽ và sớm cán đích công ty nông nghiệp tỷ đô đầu tiên của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, với doanh nhân Huỳnh Văn Thòn và Lộc Trời vẫn luôn là sứ mệnh cùng nông dân phát triển bền vững.

Tin liên quan
Tin khác