Thời sự
Chủ tịch EY Việt Nam: Đầu tư trên không gian số, làm gì để tránh "sập bẫy"?
Anh Hoa - 12/11/2020 12:52
Khi đầu tư tài sản cá nhân trên không gian số, nhà đầu tư thiếu thông tin, thông tin nhiễu, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông... có thể bị sập bẫy.

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn EY Việt Nam, lãnh đạo Phụ trách Chiến lược Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY Asean, lãnh đạo Dịch vụ Tài chính EY Việt Nam, EY Lào và EY Campuchia. Bà được bầu chọn là một trong 15 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành Fintech Việt Nam vì đã giúp các tổ chức chuyển đổi để thành công trong kỷ nguyên công nghệ số.

Có mặt tại Tọa đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay, bà Dương đã chia sẻ nhiều thông tin xoay quanh câu chuyện chuyển đổi số và tiềm năng, hạn chế của thị trường dự kiến sẽ bùng nổ ở Việt Nam trong tương lai.

Quy mô thị trường 30 tỷ USD trong vòng 5 năm tới

Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), quy mô kinh tế số Việt Nam đạt 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Cũng theo một dự báo khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới nếu như chuyển đổi số hóa thành công.

Chuyển đổi số cũng cần đi đôi với con người. Theo bà Dương, ngoài việc đầu tư vào đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho các lĩnh vực khoa học - công nghệ, Việt Nam cũng cần nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế số, cũng như có các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, hay các cá nhân có thể tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh tế số.

Nếu mạng xã hội cũng như các sàn thương mại điện tử đang là ví dụ cho sự thành công bước đầu cho việc kết nối các cá nhân, doanh nghiệp này vào hoạt động kinh tế số, việc phát triển các nền tảng kinh tế ngang hàng, kinh tế chia sẻ trong tương lai sẽ tiếp tục mang đến nhiều cơ hội hơn nữa

“Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế số bởi ít nhất thói quen đã thay đổi khi thời điểm giãn cách xã hội vào tháng 4, tôi nghĩ chúng ta ngồi đây sẽ có ít nhất một lần đặt mua đồ qua mạng”, bà Dương nói

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn EY Việt Nam tại Tọa đàm “Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả” do Báo Đầu tư tổ chức (Ảnh: Chí Cường)

Nhận diện khu vực lõi của kinh tế số

Để tận dụng cơ hội từ thị trường giá trị đó, bà Dương cho rằng, cần xác định các thành phần cơ bản của nền kinh tế số. Khu vực lõi của kinh tế số bao gồm các hoạt động về công nghệ thông tin như chế tạo phần cứng, phần mềm, dịch vụ thông tin, tư vấn công nghệ thông tin…

Khu vực mở rộng của kinh tế số bao gồm những hoạt động phổ biến và quen thuộc hơn với mỗi cá nhân chúng ta như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, và kinh tế gắn kết lỏng. Ba dịch vụ này có tương quan mật thiết với nhau do cùng sử dụng nền tảng công nghệ để giải quyết cung - cầu về một sản phẩm, dịch vụ nào đó.

Thứ nhất, thương mại điện tử là một sàn giao dịch kết nối nhà cung cấp với người tiêu dùng, hay nói đơn giản là người mua và người bán. Sàn thương mại điện tử chính là một “chợ online” nơi mà người mua có thể tìm kiếm và cân nhắc giữa các sản phẩm được cung cấp bởi những người bán khác nhau. Đây là dịch vụ đã trở nên vô cùng phổ biến với những cái tên như Amazon, Lazada, Shopee…

Ở Việt Nam kinh tế số và thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng từ 20%-30% năm trong những năm vừa qua. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dự kiến doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử sẽ đạt 13-15 tỷ USD vào năm 2020.

Việt Nam với khoảng 64 triệu người sử dụng internet và gần 60% người dân sử dụng mạng xã hội, đang đứng trước cơ hội lớn để kết nối không chỉ các doanh nghiệp mà cả cá nhân người dân tham gia vào nỗ lực xây dựng và phát triển nền kinh tế số cũng như mạng lưới thương mại điện tử mà Chính phủ đề ra.

Thứ hai, kinh tế gắn kết lỏng là một thị trường gắn kết các nhà cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng trên cơ sở một công việc. Khách hàng thông qua một nền tảng công nghệ dựa trên Internet để tìm kiếm nhà cung cấp hoặc chỉ định công việc; mặt khác, nhà cung cấp dịch vụ ký hợp đồng với nhân công để cung cấp dịch vụ tới khách hàng theo yêu cầu dưới một sự giám sát nhất định và hưởng thù lao theo công việc.

Đặc trưng cơ bản của kinh tế gắn kết lỏng là các cam kết ngắn hạn giữa khách hàng, bên sử dụng lao động và nhân công. Ví dụ dịch vụ vận chuyển, giao hàng như Grab, Uber, Deliverynow.

Tuy nhiên, không chỉ giới hạn ở dịch vụ vận chuyển, mô hình kinh tế gắn kết lỏng còn phổ biến ở các quốc gia trên thế giới dưới hình thức giao việc tại nhà như handy.com, taskrabbit.com, Amazon Flex… hay những công việc chuyên môn cao (có thể hiểu người cung cấp dịch vụ là freelancer) được tiến hành trên nền tảng tự do trực tuyến như upwork.com, oDesk.com, freelancer.com… hoặc những công việc được tiến hành trên nền tảng đám đông như crowdsource.com, clickwork.com. Thậm chí là những hoạt động đào tạo và chia sẻ tri thức trên nền tảng số.

Thứ ba, kinh tế chia sẻ là mô hình sử dụng một nền tảng công nghệ thông tin để kết nối nguồn cung và nhu cầu về một tài sản nhàn rỗi nào đó trong cộng đồng. Thông qua không gian, mô hình kinh tế chia giúp cho những người có nhu cầu có thể truy cập được tới nguồn tài sản còn nhãn rỗi để các bên cộng tác tạo ra giá trị (thu nhập cho người có tài sản nhàn rỗi, và tiện ích cho người có nhu cầu được đáp ứng).

Ví dụ phổ biến nhất là dịch vụ đại lý du lịch, cho thuê chỗ nghỉ như Airbnb, bookings.com. Ở nước ngoài, còn phổ biến dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại (xe ô tô) như Getaround, Zipcar, Drivenow... Cho vay ngang hàng, cũng có thể được xếp vào mô hình kinh tế chia sẻ dưới góc độ nguồn tiền nhàn rỗi của cá nhân này có thể được tiếp cận bởi cá nhân khác có nhu cầu về tài chính.

3 vấn đề đối với nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào kinh tế số

Thông qua không gian số, bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào mà mỗi cá nhân có khả năng cung cấp, đều có thể là nguồn tài sản của nền kinh tế số. Mỗi cá nhân có thể đầu tư tài sản của mình (có thể là tài sản vật lý, phi vật lý, hay tài sản trí tuệ) vào bất cứ khu vực, lĩnh vực nào của nền kinh tế số.

Theo bà Dương, kinh tế số có nhiều dư địa phát triển. Tuy nhiên, nhà đầu tư vào lĩnh vực này đang vấp phải 3 vấn đề: thiếu thông tin; thông tin nhiễu; tâm lý đám đông.

Thị trường số là một thị trường mở, với cơ hội mở ra một cách công bằng cho bất cứ ai tham gia thị trường. Việc nắm bắt và phát huy được các cơ hội này tùy thuộc vào khả năng nhanh nhạy, đánh giá đúng về đối tượng sử dụng dịch vụ, am hiểu về thị trường (có thể là thị trường đại chúng hay thị trường ngách), cũng như chất lượng sản phẩm dịch vụ được cung cấp của mỗi cá nhân đầu tư trên thị trường số.

Một số yếu tố cần cân nhắc khi đầu tư tài sản cá nhân trên không gian số có thể kể đến là: chi phí cũng như nguồn thu tương ứng với tài sản, rủi ro khi cung cấp tài sản và các biện pháp phòng tránh rủi ro tương ứng, vấn đề về cạnh tranh trên thị trường số so với thị trường vật lý, quyền sở hữu trí tuệ (nếu cần thiết), vấn đề an toàn bảo mật thông tin và sự uy tín của đơn vị kết nối”, bà Dương khuyến nghị

Tin liên quan
Tin khác