Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) muốn lãnh đạo UBND TP Hà Nội giải thích rõ tại sao khi các chuyên gia đang thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản thì lại xả nước hồ Tây vào? Việc xả nước như vậy làm cho kết quả thí điểm của các chuyên gia Nhật Bản bị nước cuốn trôi.
Cử tri Toán cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội giải thích rõ đề án xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch bằng giải pháp bơm nước sông Hồng vào và hiệu quả của phương án này thế nào?
Trước băn khoăn của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, phía Tổ chức Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản và Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã thử nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Trong quá trình các chuyên gia Nhật Bản thí điểm làm sạch sông Tô Lịch, TP Hà Nội hứng chịu những đợt mưa lớn nên phải xả lũ cho nước Hồ Tây. “Tôi khẳng định là Công ty thoát nước Hà Nội đã thông báo xả nước Hồ Tây cho Trung tâm Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản và trực tiếp ở đây là JVE. Sau khi có việc này thì họ đề nghị thử nghiệm thêm…”, ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cho biết, cuối tháng 10, ông đã mời đại diện của Trung tâm Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản, Công ty JVE báo cáo kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch. Sau đó ông Chung đã kết luận buổi làm việc và được các bên thống nhất cao.
Nội dung kết luận buổi làm việc là Hà Nội luôn hoan nghênh, khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội, nhất là trong lĩnh vực môi trường. UBND TP đánh giá cao về đề xuất thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây của phía Nhật Bản.
“Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, Tổ chức Xúc tiến thương mại và môi trường Nhật Bản, Công ty JVE đã không tuân thủ yêu cầu của TP. Cụ thể, việc mời các cơ quan báo chí, sử dụng thông tin truyền thông trong quá trình thử nghiệm để khuếch trương công tác thí điểm khi chưa có kết quả thử nghiệm; không phối hợp với các cơ quan khi xử lý thông tin gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội”, ông Chung cho hay.
Cũng tại cuộc họp trên, ông Chung đề nghị Tổ chức Xúc tiến thương mại chuẩn bị các hồ sơ chứng minh năng lực để gửi Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Trong đó có hồ sơ tiêu chuẩn kỹ thuật của công nghệ xử lý nước, có bản thuyết trình, giấy chứng nhận về công nghệ được Chính phủ Nhật hoặc cơ quan có thẩm quyền xác nhận; danh sách các công trình, dự án đã được xử lý bằng công nghệ Nano Bioreactor tại Nhật hoặc các nước khác…
Bên cạnh đó, ông Chung cũng giao Sở Xây dựng rà soát, giới thiệu một hồ nước đọng trên địa bàn TP để Tổ chức Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản xử lý mùi và làm sạch nước, bùn bằng công nghệ Nano Bioreactor. Quá trình đánh giá sẽ mời các đơn vị chuyên môn độc lập, có năng lực vào đánh giá.
Đặc biệt, thông báo kết luận cũng lưu ý phía Tổ chức Xúc tiến thương mại, môi trường Nhật Bản không công bố kết quả cho công luận khi chưa được các cơ quan xem xét đánh giá kết quả thử nghiệm.
“Thông báo này được công khai gửi cho các bộ ban ngành, chứ không phải thành phố lại để cho một cái công ty vào đây làm trò đùa cho cả thiên hạ, gây bức xúc xã hội”, ông Chung nói với các cử tri.
Ông cho biết, từ năm 2002, TP đã đặt vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, chứ không phải bây giờ mới nói đến. Thời điểm đó, do thiếu kinh phí, Hà Nội đã để Tập đoàn Gamuda đầu tư nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (Hoàng Mai) theo hình thức BT. Đến nay cùng với một số nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ Tây, Nhà máy xử lý nước thải Hồ Trúc Bạch… thì Hà Nội mới xử lý được 22% lượng nước thải.
Hiện Hà Nội đang cho đầu tư Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (bằng vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật) với công suất 270 nghìn m3/ngày đêm, đảm bảo xử lý nước thải sinh hoạt cho các quận huyện như: Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hà Đông…
“Dự án này phải đào đường ống để thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt của các quận trên để xử lý. Sau khi xử lý xong sẽ hoàn lại nước cho sông Tô Lịch. Dự kiến vào quý II – 2022 sẽ đưa nhà máy này vào hoạt động”, ông Chung nói.
Ông Chung cho biết ngoài công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch của Nhật Bản, cũng có nhiều nhà khoa học, tổ chức đề xuất các biện pháp xử lý nước Hồ Tây, nhưng đều không phải phương án tối ưu.
“Trung bình mỗi ngày có 180 nghìn m3 nước thải xả ra sông Tô Lịch. Do vậy, không có công nghệ nào xử lý được cả nếu không thu gom nước thải để xử lý riêng…”, ông Chung nhấn mạnh.