Thời sự
Chủ tịch Hồ Chí Minh- Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Nguyễn Xuân Lương - 19/05/2019 07:59
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Sự vĩ đại của Người bắt nguồn từ chính nhân cách, trí tuệ, phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh, phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Không chỉ là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất đỗi giản dị, khiêm tốn, gần gũi với nhân dân.

Trong tác phẩm “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Bác: “Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Trong đời hoạt động cách mạng cũng như đời sống hàng ngày của mình, Hồ Chủ tịch đối xử với người, với việc luôn có lý, có tình. Bác Hồ dành muôn vàn tình thân yêu với đồng chí, đồng bào. Trong tình thương yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai và sắp xếp cho mỗi người về việc làm, đời sống và học tập, vừa nghiêm khắc đòi hỏi, vừa yêu thương dìu dắt”.

Cho đến hôm nay, khi đất nước đã trải qua hơn 30 năm đổi mới và đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quốc gia khởi nghiệp, hội nhập quốc tế, thì tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là tấm gương, là bài học mang tính thời sự.

“Tiền là ở đây, vàng là ở đây!”

Năm 1911, trước hôm lên tàu đi tìm đường cứu nước, Bác rủ thêm một người bạn cùng đi, nhưng người bạn đó bảo: “Ta đi Pháp sẽ chết đói thôi, đơn giản vì không có tiền để ăn”. Bác liền giơ tay và nói: “Tiền là ở đây, vàng là ở đây! Chúng ta còn trai trẻ. Chúng ta sẽ làm lụng để sống”.

Ngày Bác xuống tàu ở bến Nhà Rồng (xưa), người thuyền trưởng nói: “Ở đây không có việc gì nhẹ cho anh làm cả, chỉ có việc nặng thôi. Trông anh gầy yếu thế kia, làm sao làm nổi”. Bác trả lời: “Vâng, tôi gầy yếu thật. Nhưng tôi còn trai trẻ. Tôi đủ nghị lực. Tôi có thể làm được tất cả!”.

Quả thật, với ý chí, trí tuệ và trái tim nóng bỏng yêu nước, thương dân, ham muốn độc lập, tự do cho dân tộc, Bác đã vượt lên tất cả. Ròng rã 30 năm bôn ba khắp 28 quốc gia, Bác làm rất nhiều công việc, từ phụ bếp đến viết báo, thợ ảnh…

“Bản án chế độ thực dân Pháp” là tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng tiếng Pháp vào những năm 1921 - 1925 và được xuất bản đầu tiên vào năm 1925 ở Paris (Thủ đô nước Pháp).

Hai năm sau Cách mạng Tháng Mười Nga (1919), tiếp nhận bản Luận cương về cách mạng thuộc địa của Lênin, Bác reo lên và nói: “Hỡi đồng bào bị đày đọa, đây là cái cần thiết cho chúng ta”. Về sau, Báo Granma (Cuba) đã viết: “Nhân loại tiến bộ trên thế giới đời đời mắc nợ nhân dân Việt Nam bởi cống hiến của Hồ Chí Minh”, còn một tờ báo ở Mỹ La tinh gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “bài ca tự do”.

Một thế kỷ trước, ngày 18/6/1919, Hội nghị hòa bình Versailles khai mạc tại Paris (Pháp), Bác bàn với cụ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường… rồi soạn Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, thay mặt Hội Những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, gửi đến Hội nghị với 8 điểm: đòi tự do cho tù chính trị ở Đông Dương; bãi bỏ các tòa án đặc biệt; tự do báo chí, hội họp, học tập… Dưới bản yêu sách, Bác ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Báo chí nước Pháp lúc đó gọi bản yêu sách này là “quả bom chính trị” rung chuyển nước Pháp.

Tấm huân chương cao quý nhất

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác sống ở Việt Bắc, danh xưng là ông Ké. Bà con trong bản thấy ông cụ cao tuổi, không rõ từ đâu tới, nhưng chăm chỉ lạ thường. Đêm về, cụ ít ngủ. Gà vừa gáy sáng, cụ đã thức dậy rồi mang ống bương xuống suối lấy nước. Ông cụ quét nhà, tưới rau… làm xong việc vặt, cụ ngồi trước máy chữ để ra công văn, chỉ thị. Tối đến, cụ lại ân cần chuyện trò với dân bản, kể chuyện đánh Tây, đuổi Nhật, dặn dò bà con chăm lo cày cấy để mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ… Cách giáo dục, cách dân vận của ông Ké bao giờ cũng nhẹ nhàng, sâu sắc.

Cho đến hôm nay, khi đất nước đã trải qua hơn 30 năm đổi mới và đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng quốc gia khởi nghiệp, hội nhập quốc tế, thì tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là tấm gương, là bài học mang tính thời sự.

Bác sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Nhưng với tinh thần lãng mạn cách mạng, Bác vẫn có thơ:

“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/Vượn hót, chim kêu suốt cả ngày/Khách đến thì mời ngô nếp nướng/Săn về thường chén thịt rừng quay/Non xanh nước biếc tha hồ dạo/Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/Kháng chiến thành công ta trở lại/Trăng xưa hạc cũ với xuân này”.

Các chiến sĩ cảnh vệ thương Bác giảm sút sức khỏe, liền hái măng về để cải thiện bữa ăn đạm bạc. Bác hỏi các chiến sĩ hái măng ở đâu? Biết đây là măng tre của dân, Bác rút tiền trong túi đưa chiến sĩ cảnh vệ quay trở lại trả tiền cho dân với lời dặn: “Lần sau, các cháu không được làm như thế”.

Chuyện về tấm gương của Bác Hồ vô cùng phong phú, ở lĩnh vực nào cũng đầy ắp sự kiện và để lại dấu ấn đậm nét. Thế giới đã ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng thần thoại”, “Một người vĩ đại của thời đại”, “Một lãnh tụ cách mạng có ý chí sắt thép và sức sống mãnh liệt lạ thường”, “Một nhân vật tượng trưng cho những giá trị cao quý nhất của nhân loại ngày nay”.

Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.

Nhưng, Bác vô cùng khiêm tốn, giản dị và không muốn viết gì, nói gì về mình. Nhà văn hóa Hà Huy Giáp, khi còn làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa kể lại, một hợp tác xã thủ công mỹ nghệ đúc tượng Bác. Bác cho mời vị Thứ trưởng lên gặp rồi hỏi thân tình: “Bây giờ thừa đồng rồi nên chú cho nghệ nhân đúc tượng Bác phải không?”. Thứ trưởng Hà Huy Giáp thưa: “Đây là nhân dân kính trọng Bác, yêu quý Bác, nên bà con mới đúc tượng Bác”.

Nghe vậy, Bác nói: “Chú nên nhớ, một cá nhân không làm nên việc gì cả. Chú về nói lại với bà con, đừng làm như thế nữa”.

Năm 1963, Quốc hội quyết định tặng Bác Huân chương Sao Vàng. Bác cảm ơn Quốc hội và nói: “Chờ đến ngày Bắc - Nam thống nhất, sum họp một nhà, đồng bào miền Nam sẽ trao cho Bác huân chương cao quý nhất của đất nước ta. Như vậy thì toàn dân sung sướng, vui mừng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý. Đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, yêu nước, thương dân.

Tin liên quan
Tin khác