Là người từng trải trong việc làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền lại cho các thế hệ những người làm báo Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý. Người thường dạy, báo chí là một nghề, cho nên người làm báo cách mạng cần được bồi dưỡng lập trường cách mạng vững vàng, thường xuyên rèn luyện đạo đức và phải được đào tạo nghề nghiệp tinh thông.
Theo Bác, người làm báo cần ra sức trau dồi kiến thức, học tập lý luận, lăn lộn trong thực tiễn và gắn bó với nhân dân. Bác lưu ý trước tiên đề tài cho người cầm bút là “những điều mắt thấy tai nghe”, “những người tốt, việc tốt”, trong chiến đấu và sản xuất, trong phong trào thi đua yêu nước.
Giờ nghỉ trưa, Người vẫn thường đọc báo (1951) |
Bác từng nói, trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề cần phải chú ý đến cùng, phải coi quan trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa, vừa là phương tiện cổ vũ, truyền bá thực thi văn hóa, là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng. Vì vậy, quan điểm nhất quán của Bác khi đề cập báo chí cách mạng là phải xác định được mục đích, tôn chỉ và nhiệm vụ.
Trong lớp học viết báo đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đề ra 6 điểm chính của báo. Theo đó, báo chí cách mạng trước hết phải là cơ quan tuyên truyền cổ động, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng, là diễn đàn của quần chúng nhân dân về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Bác chỉ ra những khuyết điểm mà báo chí ta thường gặp, như “tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều. Không biết giữ bí mật. Đôi khi đăng tin vịt...”. Bác nhắc nhở báo chí phải thật sự tôn trọng sự kiện, bởi nhà báo là người có khả năng tạo ra dư luận để ủng hộ hoặc phê phán một hiện tượng xã hội, vì thế nhà báo phải công tâm, phải có phẩm chất trung thực.
Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, sau khi góp ý với các nhà báo về các lỗi như bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống” không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng, thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng, thiếu cân đối…, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; không nên nói ẩu”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết”… Ngoài ra, tùy bản chất sự vật, do thực tế đòi hỏi mà người cầm bút phải phản ánh thực tế chân thực và đúng mức, có khẳng định, có phê phán, có khen, có chê.
Từ kinh nghiệm hoạt động báo chí, từ quan điểm về hiệu quả, công dụng của báo chí truyền thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính chân thực, bởi nó vừa là sức mạnh của bài nói, bài viết, đồng thời là thước đo đạo đức của người làm báo cách mạng. Có nghĩa, mỗi bài viết của nhà báo phải đúng sự thật, tức là phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với các con số, sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc.
Các tác phẩm báo chí của Bác Hồ đã trở thành di sản thiêng liêng, minh chứng cho cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi cũng như tài năng của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Với các thế hệ nhà báo Việt Nam, các tác phẩm báo chí của Người là một cẩm nang quý cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, về phong cách làm báo Hồ Chí Minh.
Cả nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát huy mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự nghiệp đó cần sự tham gia tích cực, đồng bộ của báo chí, đòi hỏi báo chí phải thay đổi mạnh mẽ hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp, phản ánh các tấm gương tốt, việc làm hay, phát huy tinh thần, khả năng sáng tạo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng xã hội ngày càng phồn vinh.