| ||
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng kể, ông mới về quê xây một cái nhà, ra UBND xã đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Lãnh đạo xã không biết giấy phép xây dựng “hình thù ngang dọc ra sao” vì cả làng, cả xã người dân xây dựng nhà ở bình thường nhưng chưa “được” cấp giấy phép cho ai.
Tuy nhiên, nếu Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi được Quốc hội thông qua thì người dân không còn được tự do xây dựng nhà ở nữa nếu chưa có giấy phép.
Theo Dự thảo, điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình và nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; thiết kế đô thị được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết, thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được UBND cấp tỉnh ban hành.
Xây dựng nhà ở tại đô thị còn phải đảm bảo an toàn cho công trình, công trình lân cận và các yêu cầu về môi trường, phòng cháy chữa cháy, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, viễn thông), hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hóa và đảm bảo khoảng cách đến các công trình dễ cháy, nổ, độc hại, các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Còn ở nông thôn, người dân muốn có giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ phải phù hợp với quy hoạch điểm dân cư nông thôn (quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới). Đối với công trình ở khu vực chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn được duyệt, thì phải phù hợp với quy định của UBND cấp huyện về quản lý trật tự xây dựng.
Như vậy, để được cấp giấy phép xây dựng, người dân phải “chạy” hàng loạt giấy phép, giấy xác nhận đủ các loại điều kiện. “Không biết phải mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền mới “lo đủ” các loại giấy phép, giấy xác nhận để đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Quy định như vậy chỉ… chết dân”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo lắng.
“Phải đưa cuộc sống vào luật chứ luật ban hành với các quy định… trên trời thì luật làm sao đi vào cuộc sống được”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói và dẫn chứng quy định… trên trời của Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi: “Đối với công trình ở khu vực chưa có quy hoạch điểm dân cư nông thôn được duyệt, thì phải phù hợp với quy định của UBDN cấp huyện về quản lý trật tự xây dựng”.
“Tôi hỏi các anh xem hiện nay trên cả nước đã có huyện nào có cơ quan quản lý trật tự xây dựng chưa. Chắc chắn là chưa. Vậy chẳng lẽ người dân không được xây nhà chỉ vì ở cấp huyện chưa có cơ quan quản lý trật tự xây dựng à?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi cho Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.
“Các anh xây dựng luật luôn phải nhớ cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì gây phiền hà cho dân, tạo kẽ hở dẫn đến tiêu cực thì loại bỏ khỏi luật. Trong quá trình xây dựng luật phải luôn nhớ chúng ta đang trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Với Luật Xây dựng, các anh phải xem xem, liệu có thể bỏ được từ 1/3 đến 2/3 giấy phép, giấy chứng nhận các loại không. Các anh thử nghĩ xem có thể gộp 3-4 loại giấy phép, giấy xác nhận đủ điều kiện vào một loại giấy và do một cơ quan làm đầu mối thực hiện được không. Chỉ có như vậy mới tạo thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại băn khoăn về điều kiện giấy phép xây dựng tạm thuộc khu vực đã có quy hoạch xây dựng được công bố nhưng chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo Dự thảo, để được cấp giấy phép xây dựng tạm, tổ chức, cá nhân ngoài việc phải đáp ứng đủ các loại điều kiện như xây dựng công trình khác còn phải có cam kết tự phá dỡ công trình khi thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng tạm hết hạn.
Trường hợp không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm thì Nhà nước phải bồi thường cho chủ đầu tư.
Trong điều kiện địa phương nào cũng có hàng chục, hàng trăm dự án treo trong khi người dân không có đất ở việc cấp phép xây dựng tạm là giải pháp tạm thời.
“Nhưng phải tính xem khi thu hồi đất người dân sẽ bị thiệt hại về kinh tế rất lớn do phải tháo dỡ công trình. Vì vậy, luật phải quy định công khai quy hoạch, thời gian sử dụng đất để người dân biết và quyết định xem có xây dựng công trình tạm hay không”, ông Phúc đề xuất.
Nam Kinh