Cũng như hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Hộ tịch vào chiều nay (13/8/2013), Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng sợ Dự thảo Luật Hộ tịch vì không những không cải cách thủ tục hành chính, mà còn tăng phiền hà cho người dân.
| ||
Hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với nhiều nội dung của Dự thảo Luật Hộ tịch |
Hiện tại, mỗi cá nhân khi trưởng thành, lập gia đình có tới hơn 20 loại giấy tờ xác định nhân thân, thân nhân (chưa kể hàng chục loại giấy tờ xác nhận bằng cấp, chứng chỉ khác) như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, số hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn…
“Chẳng biết khi có Sổ hộ tịch với Số định danh cá nhân được cấp một lần duy nhất cho cá nhân khi đăng ký khai sinh và được ghi vào Sổ bộ hộ tịch thì giảm được bao nhiêu loại giấy tờ mà người dân đang phải “gánh” cả cuộc đời”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện rất kỳ vọng, Luật hộ tịch sẽ giảm thiểu các loại giấy tờ mà người dân phải quản lý cả đời người. “Đến lúc nào đó, tất cả các loại giấy tờ hiện nay chỉ nhỏ bằng cái thẻ ATM, bất cứ lúc nào cần đến, người dân chỉ cần móc ví ra quẹt qua máy là toàn bộ dữ liệu về nhân thân hiện ra hết”, ông Hiện mơ ước.
Mặc dù vậy, ông Hiện cho rằng, mơ ước của ông còn lâu mới thành hiện thực, nhưng trước mắt, việc có thêm Sổ hộ tịch sẽ gây thêm phiền hà, tốn kém cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý nhà nước vì mục tiêu quản lý cá nhân của hộ khẩu, hộ tịch, hộ chiếu, chứng minh thư… chưa thể tích hợp được làm một.
Đứng trên phương diện kinh tế, Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn, nếu Luật Hộ tịch được thông qua thì cả nước sẽ phát sinh thêm ít nhất 5.000 - 6.000 cán bộ ở cấp xã để quản lý vấn đề hộ tịch.
“Như vậy, chúng ta không thực hiện được mục tiêu giảm biên chế mà hàng năm ngân sách phải chi ra một khoản tiền rất lớn để “nuôi” cán bộ quản lý hộ tịch”, bà Ngân băn khoăn.
Theo Dự thảo Luật Hộ tịch, đối với sự kiện hộ tịch được đăng ký ngoài nơi quản lý hộ tịch gốc của cá nhân (cấp xã, phương) thì sau khi đăng ký, hộ tịch viên, viên chức ngoại giao, lãnh sự có trách nhiệm thông báo ngay bằng văn bản kèm theo trích lục hộ tịch cho hộ tịch viên, nơi quản lý hộ tịch gốc của người đó để ghi vào Sổ bộ hộ tịch. Nhận được thông báo và trích lục hộ tịch, hộ tịch viên nơi quản lý hộ tịch gốc có trách nhiệm ghi ngay vào Sổ bộ hộ tịch.
Khi yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp trích lục hộ tịch, cá nhân có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính trong và ngoài nước hoặc gửi qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến
“Như vậy, trách nhiệm đăng ký, bổ sung Sổ hộ tịch thuộc cơ quan quản lý nhà nước, người dân không cần có mặt, không cần bất cứ giấy tờ gì, hộ tịch viên vẫn phải chịu trách nhiệm bổ sung thông tin vào Sổ hộ tịch”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Hà Hùng Cường giải thích.
“Với trình độ của chúng ta như hiện nay mà thực hiện được như vậy thì chỉ có… nằm mơ mới thấy”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển phản bác.
Nội dung xác nhận vào Sổ bộ hộ tịch theo Dự thảo Luật Hộ tịch gồm, khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch; khai tử. Ngoài ra, Sổ bộ hộ tịch phải bổ sung việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thay đổi quốc tịch; xác định cha, mẹ, con; xác định lại giới tính; nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi; ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật; công nhận giám hộ; tuyên bố hoặc huỷ tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
“Như vậy người dân dù cư trú ở đâu cũng đều phải cầm trực tiếp giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng sinh của con cái về tận nơi quản lý Sổ hộ tịch gốc để cán bộ tư pháp ghi vào Sổ hộ tịch chứ làm sao mà gửi qua Internet được, làm sao người dân diám gửi qua bưu điện vì sợ thất lạc do chỉ có một bản giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng sinh duy nhất”, ông Hiển lập luận và cho rằng, nhận định việc ban hành Luật hộ tịch sẽ giảm thiểu phiền hà cho người dân là không thuyết phục.
Trong khi đó, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quy định như vậy là thiếu khả thi, không phù hợp và ít có người dân nào thực hiện đặc biệt trong trường hợp ly hôn, khai tử.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lấy dẫn chứng, hàng triệu ông bố, bà mẹ ở quê, nhưng sống với con ở các thành phố, họ cũng đã chuyển hộ khẩu theo con cái, khi họ chết đi, bệnh viện đã cấp giấy chứng tử, đã tổ chức lễ viếng thì không ai mất thời gian mang giấy chứng tử về cho “mấy ông ở xã” ghi vào Sổ hộ tịch là bố, mẹ họ đã chết.
“Khi ly hôn, tòa án đã giải quyết, thì không ai dại gì mà mang giấy ly hôn của tòa án về quê (nơi quản lý Sổ hộ khẩu gốc) cho cán bộ tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch để cả “bàn dân thiên hạ” biết là họ đã ly hôn”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói.
Với Dự thảo Luật Hộ tịch vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng chẳng khác gì việc ghi tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân.
“Chúng ta mới thí điểm ghi tên bố mẹ vào chứng minh thư nhân dân đã phải dừng lại vừa gây lãng phí ngân sách, vừa bị người dân lên án gay gắt vì không hợp lòng dân. Luật Hộ tịch phải tiếp tục nghiên cứu thấu đáo để không tránh vào vết xe đổ như việc ghi tên bố mẹ vào giấy chứng minh nhân dân”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở Ban soạn thảo.
Hàn Tín