Bệnh tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, bệnh lý tim mạch cướp đi 18,6 triệu sinh mạng, chiếm tới 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm và tương ứng với tỷ lệ 31% tổng tử vong toàn cầu.
Tại Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 100 người tử vong có tới 77 người tử vong do bệnh không lây nhiễm, trong đó có 33 người do nguyên nhân do bệnh tim mạch.
Toàn cầu hoá và đô thị hoá, sự thay đổi môi trường như là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển các bệnh không lây nhiễm.
Ảnh minh hoạ |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, hầu hết bệnh tim mạch có thể phòng ngừa và điều trị được một cách hiệu quả.
"Hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia.
Để phòng bệnh tim mạch, mỗi người dân cần thực hiện lối sống khỏe mạnh bao gồm ăn uống, luyện tập, khám sức khỏe định kỳ, tránh thói quen có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia.
Mỗi người dân cần nắm được các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết, mỡ máu… và đặc biệt phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch hoặc yếu tố nguy cơ đi kèm khác để có phương án điều trị kịp thời nhằm tránh các biến cố tim mạch cũng như tránh tái phát.
Cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực sản phụ khoa, sơ sinh
Tối 9/10, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với Hội sản phụ khoa Việt Pháp tổ chức khai mạc Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp lần thứ 22.
Đây là một trong những diễn đàn có uy tín về mặt chuyên môn, với sự tham dự của nhiều y bác sỹ trong và ngoài nước, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sản phụ khoa.
Hội nghị sẽ cập nhật các kiến thức khoa học, và kinh nghiệm lâm sàng, cũng như các tiến bộ về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cho các y bác sỹ chuyên ngành sản phụ khoa.
Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp đã giới thiệu một số thành tựu của lĩnh vực sản phụ khoa Việt Nam như nuôi sống trẻ sơ sinh dưới 500gr, chẩn đoán trước sinh phát hiện sớm dị tật thai nhi, ứng dụng kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản, thực hiện phẫu thuật mổ nội soi ít xâm lấn, một số phương pháp sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung…
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp 2022 được tổ chức cả trực tiếp và trực tuyến trong 2 ngày 9-10/10 nhằm lan toả nhiều hơn các kinh nghiệm về lâm sàng, cận lâm sàng cũng như cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực sản phụ khoa, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, y học thai nhi… đến các bác sĩ chuyên ngành sản khoa trên cả nước.
Bên cạnh phiên toàn thể của Hội nghị sẽ có 10 phiên chuyên đề, 5 Hội nghị vệ tinh và 3 khóa đào tạo liên tục, đây sẽ là cơ hội để những người làm chuyên môn chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.
Lâm Đồng, Đắk Lắk gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết
Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk đang có số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt và lan rộng ra nhiều huyện/thành phố, kéo theo đó là nhiều ca có chuyển biến nặng. Các cơ sở y tế phải nỗ lực điều trị kịp thời để giảm tối đa tỉ lệ tử vong.
Thống kê của Sở Y tế Lâm Đồng, đến ngày 27/9 đã ghi nhận 2.967 ca, tăng đến 2.572 ca so với cùng kỳ 2021. Nhiều huyện tăng đột biến như: Đạ Teh có 410 ca sốt xuất huyết, tăng 217 ca so với năm 2021; Đức Trọng có 423 ca, tăng 406 ca so với năm 2021; TP. Bảo Lộc có 512 ca, tăng 456 so với năm 2021; Di Linh có 540 ca, tăng 517 so với năm 2021…
Lâm Đồng cũng đã ghi nhận một ca bệnh tử vong do sốt xuất huyết tại thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai.
Cũng như Lâm Đồng, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đột biến ở Đắk Lắk. Đến cuối tháng 9 đã ghi nhận trên 6.000 ca mắc sốt xuất huyết. Dịch bệnh sốt xuất huyết xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nhiều địa bàn ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao như: TP. Buôn Ma Thuột; Krông Pắc; Ea H'leo; Ea Kar; Krông Bông…
Theo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tại Đắk Lắk), bệnh viện vừa ghi nhận thêm một bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong nâng tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết đã tử vong ở Đắk Lắk lên 9 người.
Trước diễn biến của dịch bệnh, các địa phương đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp dập dịch. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các các thôn, buôn, tổ dân phố diệt lăng quăng, muỗi, đưa các hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết đến tận hộ gia đình.
Lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk cũng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy. Đảm bảo tất cả các khu vực, hộ gia đình tại vùng có dịch sốt xuất huyết và nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi.
Các cơ sở khám, chữa bệnh ở Lâm Đồng, Đắk Lắk tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú kể cả trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng.
Duy trì hoạt động đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết để tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.