Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tổ (Ảnh: Duy Linh). |
Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch, đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của đại Covid-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như trên khi tham gia thảo luận tổ về kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước (NSNN) tại Quốc hội, sáng 25/5.
Theo đánh giá của Chủ tịch nước, dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhưng các chỉ số nền kinh tế 5 tháng của năm 2022 là đáng mừng qua kết quả tăng trưởng thu ngân sách, xuất nhập khẩu, nông nghiệp. Giữ vững kinh tế vĩ mô và là điểm nổi trội trong điều hành.
Nhưng, người đứng đầu Nhà nước cũng lưu ý, đó mới chỉ là kết quả bước đầu nên không được chủ quan, thoả mãn, mà phải nhìn vào thực chất, khó khăn của người dân và doanh nghiệp là không thể bàn cãi do tác động của đại dịch trong thời gian dài, tiêu hao gần hết tiết kiệm của người dân, tích luỹ của doanh nghiệp cũng như các quỹ của Nhà nước.
Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp còn rất khó khăn sau đại dịch, đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid - 19, ông Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
Ở tổ thảo luận khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề: Năm trước, khi báo cáo Quốc hội thì GDP tăng 2,91% nhưng sau đó báo cáo chính thức là 2,58% thôi, trong khi ngân sách tăng gấp 9 lần số báo cáo, còn tăng trưởng thì giảm đi.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo gửi Quốc hội trước thềm kỳ họp thứ ba, Chính phủ cũng đã đánh giá cụ thể về việc thu NSNN tăng hơn 9 lần so với so với số đã báo cáo Quốc hội.
Đó là, nhờ số thu NSNN đạt khá trong quý I và quý IV (thu quý I đạt 31,8% dự toán, quý IV đạt 35,8% dự toán), thể hiện tính hiệu quả của các chính sách tài khóa, tiền tệ đã triển khai tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ngành, lĩnh vực (ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xây dựng, sản xuất sắt thép, ô tô...) được hưởng lợi từ các chính sách nêu trên đã phát sinh lợi nhuận tăng đột biến, tăng thu cho NSNN.
Đồng thời, do dự toán thu năm 2021 được xây dựng trình Quốc hội vào thời điểm bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3, nên mức dự toán NSNN nói chung và từng địa phương có phần thận trọng. Bên cạnh đó, phát sinh một số khoản thu đột biến ngoài dự kiến khi xây dựng dự toán.
Bên cạnh điều "cực kỳ bất thường" của nền kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn nêu một số vấn đề cần được nhìn nhận thực chất. Như, trước mắt là dấu hiệu lạm phát khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao; giá cả năng lượng toàn cầu chu kỳ này tiếp tục thâm nhập sâu vào nền kinh tế trong nước. Các yếu tố đầu vào cũng tăng, kéo theo nền kinh tế vào khó khăn chung.
Ngoài ra. thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn quan trọng thì thời gian gần đây bốc hơi hàng tỷ USD. Do đó, Chủ tịch nước cho rằng cần biện pháp, phương thức hỗ trợ thị trường chứng khoán tốt hơn nữa, ổn định kênh này để dòng vốn đến với doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và quyết định đến tăng trưởng.
Cùng mối quan tâm với nhiều đại biểu khác là gói kích thích kinh tế, đầu tư công giải ngân chậm trễ, người đứng đầu Nhà nước cho rằng cần quyết liệt chi đạo, đẩy nhanh tốc độ, để chính sách đi vào cuộc sống, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”, Chủ tịch nước dẫn tiêu đề bài báo cho thấy tính cấp thiết cải thiện tiến độ giải ngân hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
“Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045, đòi hỏi phải tăng trưởng cao liên tục. Ta mất hai năm tăng trưởng thấp do nguyên nhân khách quan, nên cần phải có sự lo lắng, có biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt nếu không rất khó đạt mục tiêu như Nghị quyết đã nêu”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi tại tổ.