Tổng giám đốc Cisco Việt Nam khẳng định, Cisco sẽ tiếp tục đồng hành với sự phát triển của Việt Nam |
20 năm đồng hành cùng sự phát triển của Internet
Con số được Bộ Thông tin - Truyền thông công bố, năm 2019, tổng doanh thu từ lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông của Việt Nam ước đạt 112,35 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Đây là con số mà cách đây khoảng 20 năm, chắc chắn không một người Việt Nam nào tưởng tượng được.
“Chúng tôi vui mừng khi được đóng góp vào thành tựu này của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam”, bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng giám đốc Cisco Việt Nam cho biết.
Không chỉ là đóng góp trực tiếp vào doanh thu của toàn ngành, với hơn 100 triệu USD, mà hơn hết, là qua sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp khác trong ngành, Cisco Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam.
Cisco có lẽ là một trong những tập đoàn công nghệ của Mỹ có mặt tại Việt Nam sớm nhất. Năm 1999, Cisco chính thức mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Hà Nội và tổ chức sự kiện Internet Day đầu tiên tại Việt Nam; nhưng trước đó từ năm 1990, tức là chỉ 6 năm sau khi được thành lập tại Mỹ, Cisco đã bắt đầu đặt nền móng cho chiến lược đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Năm đó, Cisco đã đưa những bộ định tuyến đầu tiên của mình tới Việt Nam, để kết nối mạng WAN trong nước và quốc tế. Các bộ định tuyến này, sau này đã tham gia vào việc xây dựng các mạng thử nghiệm Internet đầu tiên tại Việt Nam, để cuối năm 1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu.
Không nhiều người biết, trước đó 2 năm - năm 1995, ông John Morgridge, Chủ tịch Cisco thời đó, đã tới thăm Việt Nam và chia sẻ về sự phát triển của Internet, về tầm nhìn của Cisco về một mạng Internet có thể “Change the way people live, play and learn”.
Nhưng không chỉ là giúp “thay đổi cách mọi người sống, chơi và học hỏi” như ông John Mordridge đã chia sẻ, 2 năm trước đây, khi Việt Nam kỷ niệm 20 năm Internet vào Việt Nam, tất cả mọi người dân Việt Nam đều khẳng định rằng: Internet đã làm thay đổi cuộc sống đến mức khó tưởng tượng.
Nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển hưng thịnh của Internet. Và Cisco giữ vai trò là một trong những đối tác quan trọng đưa Internet tới Việt Nam. Trong hành trình 20 năm hoạt động, Cisco đã thành lập Học viện Mạng Cisco để hỗ trợ cho sự phát triển của nhân lực ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, đã thử nghiệm và hỗ trợ các nhà cung cấp Việt Nam thực hiện các dịch vụ VoIP trong nước và quốc tế…
Chưa kể, còn hàng loạt hoạt động khác: Cisco Networking Academy để hỗ trợ Việt Nam rút ngắn khoảng cách số với các nước phát triển, rồi đưa điện toán đám mây, đưa các khái niệm Internet of Thing, Internet of Everything… về với Việt Nam, giúp Việt Nam kết nối nhanh hơn, an toàn hơn với thế giới.
Cũng chính Cisco đã hỗ trợ các nhà mạng Việt Nam chuyển đổi mạng truyền tải lõi sang công nghệ IP, IP Core, làm tiền đề cho Mobille Internet 3G-4G sau này. Hay triển khai các gói hợp đồng về giải pháp và dịch vụ cho Cộng đồng Thông minh và kết nối (S+CC) đầu tiên tại Việt Nam… Nhiều hệ thống bảo mật quan trọng của các cơ quan Chính phủ, các doanh nghiệp lớn… đều do Cisco cung cấp.
Và bởi vậy, dấu ấn của Cisco trong sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam là vô cùng lớn. “20 năm qua, chúng tôi đã luôn đồng hành với sự phát triển của Việt Nam”, bà Thủy nói.
Cam kết hợp tác dài lâu
Câu chuyện thành công của Cisco tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục. Bởi theo khẳng định của bà Thủy, thì Cisco cam kết tiếp tục đồng hành với sự phát triển của Việt Nam.
Sự đồng hành trước tiên, đó là sẽ góp phần phát triển mạng 5G tại Việt Nam, giống như trước đây, Cisco đã tham gia phát triển các mạng 3G và 4G. Mạng 5G được cho là sẽ tạo bước ngoặt lớn để phát triển các ngành sản xuất, các ngành công nghệ thông tin - truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi toàn cầu.
“Để khuyến khích sự phát triển 5G ở Việt Nam, chúng tôi sẽ phát triển hệ sinh thái về đổi mới và sáng tạo, có nghĩa là mang các đối tác, bao gồm các start-up, các công ty cấp 1 và cấp 2, tới Việt Nam. Đồng thời, thực hiện các hoạt động hợp tác đối tác với các cơ quan hữu quan của Chính phủ Việt Nam, chia sẻ với Việt Nam các thông lệ, các thực tiễn tốt trên thế giới liên quan đến những quy định pháp lý và chính sách cần thiết để phát triển 5G. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực để giúp 5G có thể phát triển nhanh tại Việt Nam”, bà Thủy nhấn mạnh.
Theo bà Thủy, hiện Cisco có đội ngũ hơn 500 đối tác ở Việt Nam và hàng tháng, hàng quý, Cisco đều tổ chức các khóa đào tạo cho đội ngũ đối tác đó, coi họ là cánh tay nối dài của mình. Đây chính là cách để Cisco có thể nhân rộng việc đào tạo và cập nhật về công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam.
“Đây cũng là một trong những cách để chúng ta có thể khuyến khích sự phát triển của 5G tại Việt Nam”, bà Thủy nói.
Cùng với đó, các vấn đề như bảo mật, cũng sẽ được Cisco cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam. Hiện nay, theo bà Thủy, tình trạng an ninh bảo mật của Việt Nam là “rất cấp bách và đáng báo động”.
“Đó chính là một rào cản rất lớn của Chính phủ, cũng như của Việt Nam trong thực thi chiến lược số hóa nền kinh tế. Cisco sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết bài toán này. Các giải pháp của Cisco là xuyên suốt và tổng thể về an ninh bảo mật”, bà Thủy nhấn mạnh.