Phiên họp sáng 17/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Tiếp tục phiên họp thứ 32, sáng 17/4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Góp ý cụ thể, ông Vương Đình Huệ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét để bổ sung thêm một số nội dung, như chủ trương và chiến lược phát triển về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công - tư về phát triển văn hóa và kinh tế về văn hóa.
Về hợp tác công- tư, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc rà soát lại Luật Đối tác công - tư và một số thể chế, chính sách đã ban hành cho một số địa phương. Nhưng đó mới chỉ là thí điểm, trong luật này cần thiết kế thành chính sách.
“Dự án Luật này có hiệu lực thì phải đến 2025 mới áp dụng được. Nên chăng, phải có thêm một số chính sách như thế nào để thực hiện chủ trương tăng nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Nhận định một số địa phương di sản văn hóa chưa được khai thác hết, Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ như ở Thừa thiên – Huế, nguồn lực nhà nước cũng chỉ mới dành được một phần cho những di tích chính, vẫn còn một số di tích nữa có thể khai thác nếu như có thêm nguồn lực. Tuy nhiên, thành phần khác tham gia đầu tư vào thì phải theo định hướng của nhà nước để có thể vừa phát huy, vừa bảo tồn, cộng hưởng cho cả du lịch và khai thác giá trị của văn hóa di sản.
Một nội dung nữa cũng được Chủ tịch Quốc hội đề cập là vấn đề định mức, đơn giá trong xây dựng, phục chế, sửa chữa, cải tạo các di sản văn hóa, thường có tính chất đặc thù rất cao.
“Nếu ta cứ chiếu theo định mức, đơn giá đầu tư công thuần túy thôi sẽ rất khó. Chẳng hạn vẽ hoa văn ở Nhà hát lớn thì chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công theo đơn giá như thế sẽ rất khó, lao động của người ta là lao động sáng tạo”, ông Huệ phân tích.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp. |
Theo Chủ tịch Quốc hội thì nhiều địa phương rất lúng túng trong chuyện này, từ xây dựng dự toán rồi triển khai, quyết toán…, vì đây là lao động sáng tạo, nên cần phải tính thêm để có quy định về định mức, đơn giá cho phù hợp.
Về tổng thể, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thêm để đảm bảo tính tương thích với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật PPP, Luật Lưu trữ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đất đai…. và nhiều dự án luật khác có liên quan.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, để đảm bảo tính tương thích trong vấn đề giữa Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với các luật đang còn có hiệu lực do Quốc hội đã ban hành cũng rất khó.
“Anh em cũng đã chủ động rà soát và báo cáo Chủ tịch có 23 luật đều có quan hệ về di sản. Trong quá trình rà soát cũng rất nghiêm túc, cầu thị xem những văn bản nào đã được các luật khác quy định thì lần này kế thừa cái nào để không phải xây dựng, không bị chồng chéo và không bị giao thoa”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến vấn đề thu hút thêm các nguồn lực qua phương thức đối tác công – tư, ông Hùng cho hay đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ bản thống nhất ở lĩnh vực di sản văn hóa thì có tính đặc thù. Theo quy định hiện hành, phải có 100 tỷ thì mới đưa vào dự án hợp tác công – tư , nhưng với lĩnh vực văn hóa thì khó đáp ứng được quy định này. Vì thế, Bộ mong muốn tính toán lại để bổ sung, sửa đổi Luật PPP nhằm tạo thêm cơ chế, nguồn lực cho văn hóa.
Về định mức về kinh tế, kỹ thuật, ông Hùng nói, đúng như Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra, đây là một bất cập thuộc về ngành lao động sáng tạo nhưng áp dụng vào định mức của xây dựng thuần túy thì không thể làm được.
“Cho nên, Bộ cũng đang tính toán để đưa vào và sau này có thể thiết kế ở dưới dạng nghị định để quy định các định mức về kinh tế, kỹ thuật cho phù hợp”, Bộ trưởng cho biết thêm.