Sáng 22/4, sau khi nghe báo cáo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ có 35 phút để thảo luận về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ.
Báo cáo này hoàn thành giữa tháng 4/2020, nhưng Chính phủ không đề cập gì chuyện xuất khẩu gạo lùng nhùng trong những ngày gần đây.
Nhận xét là thông tin từ Chính phủ khá đầy đủ, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vẫn còn một số vấn đề cần nói đậm tại báo cáo này.
Dẫn chứng vụ xuất khẩu gạo vừa được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổng hợp, gửi báo cáo đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội nói bà đã xem và đánh giá rất cao báo cáo này.
Xuất khẩu gạo khó khăn quá, sự lúng túng trong điều hành gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, sự lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa . |
Trước đó, như Báo Đầu tư đã đưa tin, tại báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế cho biết, thời gian qua nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.
Dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Uỷ ban Kinh tế cho biết, tình hình sản xuất lúa, gạo năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc. Diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 là không đáng kể, vụ Đông Xuân được mùa, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, vì vậy sản lượng thóc gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tương đương sản lượng năm 2019. Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ Đông Xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn.
Tuy nhiên, diễn biến điều hành xuất khẩu gạo gần đây đã gây rất nhiều khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và nông dân.
Qua đây, Thường trực Ủy ban Kinh tế kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động. Đề nghị nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong giai đoạn vừa qua như phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo.
Khẩn trương có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24/3/2020, khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với dịch Covid-19. Sau khi giải quyết hết số lượng gạo tồn đọng này mà vẫn còn chỉ tiêu xuất khẩu thì mới mở tờ khai tiếp để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ ngày Chủ nhật 12/4/2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không, đã tuân theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương hay chưa cũng là nội dung được nêu tại báo cáo.
Ngoài xuất khẩu gạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu xem xét tại sao Tp.HCM năm 2019 rất nhiều dự án đình trệ thì trách nhiệm ở đâu. Việc này, theo Chủ tịch cũng là lãng phí không ít tiền bạc, thời gian công sức.
Lãng phí khác, theo Chủ tịch Quốc hội là năm 2019 lễ hội vẫn quá nhiều, cứ nói không sử dụng ngân sách nhưng huy động của các tổ chức, cá nhân thì vẫn dùng nguồn lực xã hội, cũng vẫn là lãng phí. Đừng nói không dùng tiền ngân sách là tiết kiệm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Lấy ví dụ thêm từ việc huy động nguồn lực bắn pháo hoa, Chủ tịch nói nếu bắn nhiều quá thì tốn tiền của các nhà tài trợ, nhẽ ra huy động tiền đó làm cầu đường nông thôn, giúp dân xoá đói giảm nghèo hay ứng phó biến đổi khí hậu thì hiệu quả hơn.
Đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong tổ chức lễ hội, kể cả việc huy động nguồn lực của xã hội, mọi nguồn lực nên dành cho đời sống của dân, giảm bớt tiêu dùng xa xỉ, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.