Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ví dụ trên khi phát biểu bế mạc hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 sáng 27/9.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, trong năm 2022, kết quả giám sát của Quốc hội có nhiều kết quả nổi bật.
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, đặc biệt là năm 2022 đã đánh dấu sự tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Vương Đình Huệ nêu rõ.
Năm 2022, Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề về công tác quy hoạch và thực hành tiết kiệm chống lãng phí để giám sát tối cao.
Hai chuyên đề giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội là về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Bốn chuyên đề này, theo Chủ tịch Quốc hội, "rất đúng và rất là trúng".
Ông Vương Đình Huệ cúng nhắc lại bối cảnh Quốc hội bắt đầu chọn chuyên đề giám sát về công tác quy hoạch khi cả nước mới ban hành được 1 quy hoạch cấp tỉnh duy nhất là Bắc Giang, một quy hoạch vùng duy nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long và một quy hoạch quốc gia duy nhất là quy hoạch sử dụng đất.
Nhiều người bảo tại sao lại chọn lĩnh vực này?. Vì nhìn nhận lĩnh vực này còn nhiều tồn đọng, vướng mắc và cũng cần rà soát lại các quy định của pháp luật nên đã quyết định chọn và tạo được sự đồng thuận từ trên xuống dưới, Chủ tịch Quốc hội giải thích.
Khẳng định có nhiều nội dung ngay sau khi lựa chọn giám sát đã có sự chuyển biến rõ rệt, Chủ tịch Quốc hội lấy ngay ví dụ: "Quy hoạch vừa chọn làm nội dung giám sát xong đã thấy cả hệ thống chuyển đổi rất mạnh. Hôm qua Thủ tướng Chính phủ vừa chủ trì hội nghị đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một điểm đáng chú ý nữa được ông Huệ đề cập là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã mạnh dạn trình Quốc hội giao thẩm quyền cho ý kiến chương trình, đề cương chi tiết của các cuộc giám sát.
"Ủy ban Thường vụ mất thời gian thêm rất nhiều. Cái này chuẩn bị tốt thì thành công được 1 nửa rồi.", Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.
Việc lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát cũng không đi nhiều như trước đây. "Cần thiết thì đi không cần thiết thì thôi, mà xuống cũng chỉ làm những việc cần thiết thôi", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bố trí thời gian nghe kết quả giám sát, từ đó có sự chỉ đạo, điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo nâng cao chất lượng giám sát.
"Ví dụ cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cuộc giám sát rất quy mô. Đồng chí Tổng thư ký Quốc hội nói có tới 200 kg tài liệu, tức là 2 tạ, với hàng trăm báo cáo", Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Ông Huệ cho hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 2 lần về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề này, lần gần đây nhất là tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 để chuẩn bị kỹ lưỡng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tháng 10 tới.
Năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành các hoạt động xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề về sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19, y tế cơ sở và y tế dự phòng; và việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phát triển năng lượng.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện, ông Huệ khẳng định.
"Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước. Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.