Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. (Ảnh : Duy Linh). |
Dễ làm khó bỏ thì không nên, cần có gói hỗ trợ về lãi suất tập trung vào một số ngành trọng tâm, có khả năng phục hồi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, chiều 5/12.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tới đây sẽ có báo cáo tổng thuật toàn bộ nội dung diễn đàn giửi cho đại biểu Quốc hội để nghiên cứu sâu sắc hơn chuẩn bị cho các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến diễn ra cuối năm nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Sau một ngày với ba phiên thảo luận, mà theo đánh giá của Chủ tịch là "đầy ắp thông tin", Chủ tịch Quốc hội khái quát, Diễn đàn đã dành nhiều thời gian và trọng tâm vào chính sách tài khoá và tiền tệ trong chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Nêu rõ tác động của dịch Covid-19 là bất ngờ chưa có tiền lệ và chưa biết sẽ thế nào, ông Vương Đình Huệ cho rằng, điều kiện đặc biệt thì phải có giải pháp đặc biệt, gói hỗ trợ cần tập trung cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn cho tổng cung.
Phối hợp linh hoạt hài hoà cả tài khoá và tiền tệ, quy mô thì phải đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liều lượng hợp lý và có lộ trình, thực hiện trong hai năm 2022- 2023 và cùng lắm là một số tháng đầu năm của 2024 với mục tiêu dài hạn, phải đảm bảo tính khả thi, vừa đáp ứng được yêu càu trước mắt vừa giữ được ỏn định tế vĩ mô, Chủ tịch Quốc hội khái quát yêu cầu gói hỗ trợ.
"Ổn định vĩ mô giữ được thì rất khó, nhưng để mất ổn định vĩ mô thì rất nhanh và rất dễ, mất ổn định vĩ mô là mất hết, chúng ta phải thấm thía điều này, nên chủ đề diễn đàn hôm nay là phục hồi và phát triển bền vững là như vậy", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Ông cũng nêu lại ý kiến các chuyên gia là cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và có thể chấp nhận tăng bội chi, nợ công trong ngắn hạn, nhưng cả giai đoạn thì phải đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nhất là khả năng trả nợ, huy động các nguồn lực phải công khai, chống tiêu cực lợi ích nhóm và như thế phải giám sát chặt chẽ.
Chủ tịch Quốc hội cũng chia sẻ một điều tâm đắc qua diễn đàn khi một trong những luận điểm được nhấn mạnh, đó là khủng hoảng lần này xuất phát từ yếu tố phi tài chính, yêu cầu đặt ra là không chỉ khắc phục khủng hoảng y tế, mà còn cấu trúc lại nền kinh tế. Vì vậy, các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn quyết định, chính sách tài khoá và tiền tệ là quan trọng.
Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh,.tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu, cũng chính là giúp cho chính mình ( Nhà nước, ngân hàng). Ông lưu ý, chính sách dứt khoát có rủi ro, nhưng ngân hàng phải nuôi dưỡng nơi giúp cho mình, không có doanh nghiệp thì ngân hàng chơi với ai, phải thông thoáng cái chỗ này.
Về lo ngại hạn chế của gói hỗ trợ năm 2009, Chủ tịch Quốc hội nói gói này áp dụng chưa tốt thì đúng rồi, nhưng lúc đó hỗ trợ tràn lan, còn bây giờ một số ngân hàng vẫn đang hỗ trợ và hoàn toàn thực hiện được. Dễ làm khó bỏ thì không nên, cần có gói hỗ trợ về lãi suất tập trung vào một số ngành có khả năng phục hồi, Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhắc lại khuyến nghị của chuyên gia về hạ lãi suất điều hành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không hạ lãi suất điều hành thì vẫn có công cụ khác để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Một trong những giải pháp là tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước, như Phó thống đốc đã nói 1 đồng tăng vốn thì tạo ra 8 đồng vốn tín dụng. Hiện dư nợ tín dung hơn 10 triệu tỷ đồng dư nợ 4 ngân hàng cổ phần thương mại nhà nước gánh vác đến 50% , Chủ tịch nói.
Trong phát biểu, Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng "hoàn toàn đống ý" với quan điểm doanh nghiệp cần thể chế, không cần tiền, và trong chương trình phục hồi hoàn thiện thể chế cũng là quan trọng nhất.
Thông điệp quan trọng của Diễn đàn là chúng ta cần tự lực, tự cường, có ý thức đứng trên đôi chân của mình, phải cải thiện năng lực quản trị quốc gia và doanh nghiệp, nhiều diễn giả khuyên chúng ta lạc quan, biến nguy thành cơ, tìm kiếm cơ hội trong thách thức, ông Huệ khái quát.
Thông điệp nhất quán là chúng ta đồng hành cùng nhau, ngạn ngữ có câu muốn đi xa thì đi cùng nhau, muốn đi xa mà đường xá gập gềnh khó khăn như thế này thì càng phải đoàn kết bên nhau, không chỉ trong nước, mà còn cả quốc tế và khu vực, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.