Để có thể sớm tự do tài chính, trước hết, lớp trẻ phải nỗ lực học hỏi về các lĩnh vực đầu tư, cũng như quản lý dòng tiền. |
Khắc khổ tiết kiệm hay vung tiền đầu tư?
Theo đuổi phong trào Yolo (viết tắt của cụm từ tiếng Anh "You Only Live Once", có nghĩa là "Bạn chỉ sống một lần"), nhiều người trẻ hiện nay có xu hướng tiết kiệm khắc khổ, sau đó nghỉ việc đi chơi để tìm cảm giác tự do tài chính. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là suy nghĩ sai lầm về tự do tài chính.
“Tiết kiệm khắc khổ để đi chơi, sau đó đốt sạch tiết kiệm và quay lại tiết kiệm từ đầu là khắc khổ tài chính, chứ không phải tự do tài chính. Nếu tuổi trẻ không làm việc, không học tập…, thì không thể có tự do tài chính. Chúng ta cần phải xác định, muốn tự do tài chính thì phải có kế hoạch gây dựng cho mình nền tảng tài chính vững chắc”, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc AFA Group nhận xét.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, rất nhiều người trẻ đang gặp sai lầm tài chính tuổi 20-30. Do không biết quản lý tài chính ở giai đoạn vàng này, nhiều người lâm vào cảnh “chưa giàu đã già”.
Ông Lâm Tuấn, một cố vấn tài chính cho hay, sai lầm tài chính chủ yếu ở lứa tuổi 20-30 là không thiết lập mục tiêu tài chính rõ ràng; không xây dựng kỷ luật tài chính; thiếu kiến thức tài chính cá nhân; không biết quản lý nợ và không đầu tư sớm.
“Việc mắc nợ không kiểm soát có thể trở thành một cơn ác mộng trong tương lai. Đừng vội vàng mượn tiền hoặc trả nợ bằng thẻ tín dụng một cách không cần thiết. Tìm hiểu về cách quản lý nợ và lãi suất để không bị rơi vào tình huống khó khăn về tài chính. Hãy tận dụng thời gian để học hỏi về các lĩnh vực đầu tư, đặc biệt là các khoản đầu tư có lợi suất cao và rủi ro phù hợp. Đừng sợ rủi ro, hãy tìm hiểu và đầu tư một phần thu nhập của bạn để tận dụng lợi ích kép từ lợi suất cũng như sự tăng trưởng giai đoạn dài. Đầu tư thông minh và đa dạng hóa danh mục đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội sinh lợi”, ông Tuấn đưa ra lời khuyên.
Xuất phát từ nhu cầu thị trường, dịch vụ quản lý tài sản cá nhân nước ta phát triển khá mạnh thời gian gần đây. Chỉ tính riêng tại các quỹ đầu tư, tổng tài sản quản lý giai đoạn 2017 - 2022 tăng trưởng bình quân 25%/năm, đạt 23,25 tỷ USD vào cuối năm 2022, tương ứng 2,44% GDP. Con số trên còn thấp so với các nhiều quốc gia trong khu vực và còn dư địa tăng trưởng rất lớn.
Theo TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA), Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng cho sự phát triển của dịch vụ quản lý tài chính cá nhân. Tầng lớp trung lưu nước ta tăng nhanh (tăng hơn 10%/năm), triển vọng trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, GDP tính theo đầu người đạt khoảng 4.000 USD… khiến dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân (đầu tư, tích lũy, bảo vệ tài chính cá nhân) dự báo sẽ nở rộ.
Nhu cầu thị trường về dịch vụ quản lý tài chính dự báo tăng nhanh thời gian tới do tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tỷ lệ người dân mở tài khoản chứng khoán ngày càng tăng.
Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài chính cá nhân ở Việt Nam chủ yếu là ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư… Tuy nhiên, mô hình các công ty tư vấn độc lập cũng đang ngày càng phát triển.
“Tại thị trường Mỹ, 70% thị phần tư vấn tài chính thuộc về các công ty tư vấn độc lập. Việt Nam, trong quá trình phát triển, cũng sẽ phải đi theo xu hướng này”, TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA khẳng định.
Chuyện nghề cố vấn tài chính
Ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty TNHH Financial Planner - công ty đang phụ trách quản lý gia sản cho khoảng 3.000 cá nhân - cho hay, công ty ông chuyên tư vấn và hỗ trợ khách hàng xây dựng danh mục đầu tư đa dạng, bao gồm tiền gửi tiết kiệm, vàng, cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm nhân thọ, bất động sản…
“Cố vấn tài chính là một nghề khá hot trong những năm trở lại đây. Trên lý thuyết, cố vấn tài chính là người hỗ trợ và cố vấn cho những khách hàng có nhu cầu với các kế hoạch tài chính cụ thể. Ngoài ra, các cố vấn tài chính còn xử lý các vấn đề liên quan đến bảo hiểm của khách hàng và giúp họ lập kế hoạch toàn diện về các khoản đầu tư trong tương lai. Muốn vậy, cố vấn tài chính phải là những người có am hiểu về chứng khoán, tài chính, bất động sản, bảo hiểm, các chiến lực đầu tư và bất động sản, sau đó sử dụng kiến thức và chuyên môn để xây dựng các kế hoạch tài chính được cá nhân hóa nhằm đạt được các mục tiêu tài chính của khách hàng”, ông Tuấn cho hay.
Nghề cố vấn tài chính là một ngành nghề đòi hỏi kiến thức sâu rộng về tài chính và khả năng phân tích, dự đoán xu hướng thị trường, song lại gặp nhiều khó khăn, như sự thiếu ổn định của thị trường tài chính, thiếu niềm tin của nhà đầu tư, sự cạnh tranh gay gắt, nhận thức của người dân về vai trò của nghề chưa đầy đủ...
Mặc dù vậy, nghề cố vấn tài chính vẫn mang lại nhiều cơ hội và sự hấp dẫn cho những người đam mê và có tầm nhìn trong lĩnh vực tài chính. Cố vấn tài chính có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khách hàng định hình và đạt được mục tiêu tài chính của mình. Họ có thể đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và tạo ra giá trị cho cả khách hàng và cộng đồng.