Sáng 25/4, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử vụ chiếm đoạt đất vàng trên phố Bà Triệu, liên quan tới vợ chồng bị cáo Lương Thế Hiển, cựu Phó chánh Văn phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội.
Sau thời gian xét xử trước đó, tòa chuyển sang phần nghị án và ấn định sáng nay, 25/4 tuyên án. Tuy nhiên, sau khi cho xét hỏi lại, để làm rõ một số tài sản đứng tên ông Hiển bị kê biên, Hội đồng xét xử đã quyết định nghị án kéo dài, để các bên thương lượng, thỏa thuận việc khắc phục hậu quả.
Vợ chồng bị cáo Hiển tại phiên tòa sơ thẩm. |
Tại phiên tòa, con trai riêng của bị cáo Hiển là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trình bày mong muốn được thương lượng với bị hại và ông Lê Hải An (người mua 3 lô đất từ bị cáo Hiển) về việc khắc phục hậu quả vụ án.
Theo đó, con bị cáo Hiển thắc mắc thêm: “Việc tôi bồi thường, nếu trong trường hợp bố tôi có tội, thì có được giảm nhẹ hình phạt không? Còn nếu bố tôi được tuyên vô tội, thì số tiền đã nộp sẽ như thế nào”?
Giải đáp nội dung trên, Hội đồng xét xử cho biết, việc nộp tiền không đồng nghĩa với việc bị cáo đã có tội. Số tiền nộp khắc phục là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt nếu bị cáo Hiển bị kết tội; còn trường hợp bị cáo vô tội, tòa sẽ tuyên trả lại số tiền trên.
Con trai bị cáo khẳng định, tài sản này có từ trước khi xảy ra vụ án, không hình thành từ hành vi phạm tội. Do đó, anh muốn thương lượng cùng anh Nguyễn Thanh Thuỷ (bị hại) và ông Lê Hải An (người mua lại 676 m2 đất) để thay bố khắc phục một phần hậu quả vụ án. Dù vậy, anh vẫn ủng hộ việc bố kêu oan.
Trước tòa, bị cáo Hiển vẫn một mực kêu oan, cho rằng cáo buộc của cơ quan công tố là không chính xác. Đồng thời, vợ chồng bị cáo Hiển tiếp tục có những mâu thuẫn, khai báo quanh co.
Theo thông tin từ bản cáo trạng được công bố trước đó, 3 thửa đất liền nhau số 296, 298, 300 trên phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, có tổng diện tích 676 m2. Trong đó, hơn 300 m2 đã được bán và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 11 hộ dân; phần còn lại thuộc sở hữu Nhà nước đang cho 3 hộ thuê và làm diện tích chung.
Năm 2017, ông Nguyễn Thanh Thủy (trú tại quận Đống Đa, TP.Hà Nội) mua gom toàn bộ đất của 11 hộ dân để kinh doanh bất động sản và được cấp 11 sổ đỏ đứng tên mình.
Phần đất còn lại thuộc sở hữu Nhà nước, ông Thủy cũng muốn mua để thuận lợi làm ăn, nhưng không thuộc trường hợp được mua, nên nhờ Hiển giúp đỡ.
Thời điểm này, Hiển đã về hưu, nhưng nói có thể đứng tên thay ông Thủy mua đất và gộp sổ đỏ; tiền công cho việc này được đưa ra là 7 tỷ đồng. Ông Thuỷ đồng ý và thống nhất cùng Hiển lập các hợp đồng giả cách (các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác) để hợp thức việc đứng tên làm thủ tục.
Sau đó, hai bên ký hợp đồng hợp tác kinh doanh thể hiện ông Thủy và Nguyễn Thị Liên, mỗi người góp 100 tỷ đồng mua 3 nhà đất tại phố Bà Triệu.
Tiếp đó, hai bên ký biên bản thanh lý hợp đồng về việc ông Thủy chuyển nhượng 50% vốn góp của mình cho Hiển. Ông Thủy viết 3 giấy nhận tiền, tổng cộng 200 tỷ đồng từ vợ chồng Hiển.
Vào tháng 10/2017, ông Thủy ký 11 hợp đồng công chứng để chuyển nhượng diện tích đất theo 11 giấy chứng nhận cho vợ chồng Hiển, sau đó Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp 11 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên vợ chồng Hiển.
Thêm vào đó, ông Thủy cũng nhờ Hiển đứng tên mua thêm 165 m2 đất thuộc sở hữu Nhà nước, với trị giá hơn 26 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, khi chuyển nhượng đất thành công, lẽ ra Hiển phải trả lại nhà đất cho ông Thuỷ như thoả thuận, nhưng lại nảy sinh ý định chiếm đoạt.
Sau đó, Hiển hợp thức bằng việc ký 4 hợp đồng công chứng để chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất theo 4 giấy chứng nhận cho ông Lê Hải An, với giá gần 320 tỷ đồng. Phát hiện bị lừa, ông Thủy làm đơn tố cáo hành vi của Hiển ra cơ quan công an.