Thời sự
Chưa thúc đẩy doanh nghiệp Việt mạnh hơn, Báo Đầu tư chưa tròn sứ mệnh
Khánh An - 27/09/2022 10:30
TS. Trần Đình Thiên cho rằng, một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của Báo Đầu tư là góp phần tạo lập môi trường chính sách, môi trường đầu tư khuyến khích hơn cho doanh nghiệp Việt.
PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (bên phải) trong Hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống", do Báo Đầu tư phối hợp cùng Sun Group tổ chức

Sứ mệnh thúc đẩy doanh nghiệp Việt

Nhân ngày thành lập Báo Đầu tư 27/9, với tư cách là một độc giả đặc biệt của Báo Đầu tư, ông chờ đợi gì ở tờ báo mà ông là một trong số các chuyên gia kinh tế có tần suất xuất hiện khá dày đặc?

Báo Đầu tư phải tham gia tạo lập môi trường chính sách, môi trường đầu tư khuyến khích hơn cho doanh nghiệp Việt. Đây không chỉ là kỳ vọng của tôi, mà là yêu cầu rất quan trọng.

Chúng ta đang có môi trường đầu tư rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Họ cũng đang tận dụng rất tốt những tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với nhiều cam kết thuận lợi cho kinh doanh.

Nhưng các doanh nghiệp Việt thì chưa làm được như vậy. Có nhiều lý do, từ xuất phát điểm với trình độ thấp hơn, năng lực cạnh tranh không cao… Nhưng theo tôi quan sát, các doanh nghiệp của chúng ta phải chống đỡ với nhiều trói buộc, rào cản chính sách hơn. Dù vậy, các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để phát triển, vượt lên.

Làm sao để môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt, để doanh nghiệp không phải mệt mỏi với việc tháo gỡ các ràng buộc, được cổ động vươn lên là phần việc quan trọng mà Báo Đầu tư cần làm. Tôi mong Báo Đầu tư là nơi chuyển tải những mong muốn, yêu cầu, tạo nên áp lực chính sách chính đáng để môi trường đầu tư cho doanh nghiệp Việt Nam tích cực hơn, rộng mở hơn, khuyến khích hơn nữa.

Đòi hỏi này không chỉ vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp, mà bảo đảm cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Báo Đầu tư là một trong những báo quan trọng bậc nhất để thúc đẩy yêu cầu này. Nếu chưa làm được là chưa hoàn thành sứ mệnh.

Như ông đã thấy, với tuyên ngôn đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư, Báo Đầu tư đã không ngơi nghỉ với phần việc này suốt hơn 30 năm qua…

Nhưng lúc này, hơn lúc nào hết, khi Đảng, Chính phủ, Nhà nước đang đặt yêu cầu phát triển của nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, thì chúng ta cần xác định rõ, một nền kinh tế tự chủ, tự cường cần cộng đồng doanh nghiệp nội địa mạnh mẽ.

Sẽ có nhiều việc cần phải làm, cả dài hạn, tầm nhìn phát triển và cả những câu chuyện ngắn hạn, như trong câu chuyện về giải ngân các gói hỗ trợ của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023; giải ngân đầu tư công...

Đầu tư công đã chậm nhiều năm, ngày càng chậm, đến lúc gay gắt đốc thúc như hiện tại mà vẫn chậm thì chứng tỏ bệnh rất nặng, không thể tư duy theo kiểu tháo gỡ thông thường hay sửa đổi theo kiểu cũ, kiểu truyền thống.

Tôi muốn đọc nhiều hơn các bài viết chỉ ra được những ách tắc, những vướng mắc đã ăn sâu vào cơ chế và cả những bài viết về giải pháp, chính sách thực sự mạnh, đột phá, thay đổi hệ thống để thông được dòng vốn này.

Có điểm thuận lợi là chính lúc này các điểm yếu, các khó khăn lộ ra rõ nét. Lúc này, nền kinh tế đang yếu, cần bơm máu, mà đầu tư công là lượng máu quan trọng bậc nhất để nền kinh tế không chỉ phục hồi mà có sức để bật dậy.

Báo Đầu tư nên là một trụ cột quan trọng bậc nhất để mổ xẻ các yêu cầu này.

Cần nhiều nhà báo hơn là phóng viên

Hành trình hơn 30 năm của Báo Đầu tư thực hiện sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi đặc biệt cám ơn sự đồng hành của các chuyên gia kinh tế như ông…

Các bạn đừng chỉ trông vào các chuyên gia. Nhà báo chính là chuyên gia, cần là các chuyên gia trong lĩnh vực theo dõi, với tính thực tiễn cao. Chúng ta có thể kết hợp cùng nhau, hỗ trợ nhau, nhưng các bạn phải chủ động thể hiện vai trò chuyên gia hơn, tham gia phân tích, mổ xẻ chứ không chỉ làm người đưa tin.

Báo Đầu tư không thể chỉ là báo đưa tin, đã có nhiều bài báo có chiều sâu hơn, nhưng cần đậm “chất chí” hơn nữa, nhất là ở thời điểm nền kinh tế cả trong nước và thế giới đang có rất nhiều diễn biến phức tạp, cần những góc nhìn chuyên sâu.

Theo tôi, đó mới đúng là tinh thần của Báo Đầu tư.

Tất nhiên, Báo Đầu tư đang thay đổi nhiều hình thức thể hiện. Tôi thấy Báo Đầu tư làm sự kiện, làm diễn đàn, có các cuộc talk show trên nền tảng Internet…, nhưng vẫn rất cần “chất chí”, cần chuyên sâu, cần chất chuyên gia.

Tôi cũng đã tham gia một số sự kiện, làm điều phối một số tọa đàm do Báo Đầu tư tổ chức, nhưng sau đó, tôi chờ đợi các bài viết phân tích trên các ấn phẩm. Thông tin nghe xong sẽ trượt đi, nhưng các bài viết sẽ được lưu lại với nhiều góc cạnh, chiều sâu để người đọc lật dở…

Độc giả rất cần các đề xuất chính sách, phản biện chính sách ở tầm nhìn xa, ở chiều sâu nhưng trong tâm thế ứng vạn biến.

Về việc tham gia của các chuyên gia kinh tế, tôi mong Báo Đầu tư cũng như các cơ quan báo chí cần nhìn nhận sự tham gia, cống hiến của các chuyên gia kinh tế thực sự có trách nhiệm, chuyên nghiệp. Chúng tôi cần diễn đàn để cọ xát ý kiến, để tham gia thảo luận, xây dựng, phản biện chính sách hiệu quả, chứ không phải là cách tận dụng trí tuệ theo kiểu ăn xổi, nhân tiện, theo kiểu câu view, câu like.

Báo Đầu tư nên là nơi tụ họp của các chuyên gia kinh tế một cách chuyên nghiệp, có giao kết rõ ràng, trách nhiệm.

Ông nghĩ thế nào về cuộc cạnh tranh của báo chí hiện nay?

Báo chí rất cần cạnh tranh. Người đọc không cần những loại “tin đồng phục”. Cách thể hiện cũng vậy, sáng tạo, theo nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả thì càng tốt. Nhưng mấu chốt là báo chí phải hiểu độc giả của mình.

Với Báo Đầu tư, có thể nhìn thấy 2 nhóm độc giả chính. Một là, cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách. Hai là, các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Điểm đặc biệt ở hai nhóm độc giả này là có thể cùng chính sách sẽ có hai luồng ý kiến khác nhau, thậm chí là xung đột. Điều này là bình thường và cần như vậy, nhưng Báo Đầu tư phải thể hiện được sự khác nhau, xung đột đó một cách chuyên sâu, thậm chí tiên phong trong phản biện để tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách một cách chủ động.

Đây cũng là sứ mệnh của Báo Đầu tư trong tình thế hiện nay khi cả thế giới bất ổn, bất định, chính sách các quốc gia bất trắc, dịch chuyển vốn đầu tư thế giới cũng bất trắc. Chưa bao giờ cả thế giới chờ từng phút cuộc họp của Fed để cân nhắc đường hướng cho mình như hiện tại.

Đây là lúc độc giả rất cần các đề xuất chính sách, phản biện chính sách ở tầm nhìn xa, ở chiều sâu, nhưng trong tâm thế ứng vạn biến.

Ông muốn tìm thấy gì hơn nữa trên Báo Đầu tư?

Khi chúng ta phải nói đến tự chủ, tự cường cũng có nghĩa là đang thấy rõ những tác động rất lớn từ bên ngoài.

Nền kinh tế Việt Nam có hội nhập sâu, độ mở cao, nên sẽ ngày chịu sự tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ tình hình thế giới, những biến động địa chính trị, kinh tế…  Nhưng vai vế của kinh tế Việt Nam cũng ngày càng tăng hơn trên trường quốc tế, cả ở trách nhiệm, nghĩa vụ.

Thông tin quốc tế trên báo chí phải được coi trọng ở góc độ tầm nhìn chiến lược, chứ không chỉ như lâu nay là khai thác vì lạ, vì nóng, chạy theo các thông tin câu khách.

Chúng tôi muốn đọc các thông tin quốc tế theo hướng Việt Nam là một phần quan trọng trên trường quốc tế và để mỗi người Việt Nam đều có tầm nhìn quốc tế, trong khía cạnh đầu tư - kinh doanh, thị trường quốc tế. Đó là phần việc quan trọng của Báo Đầu tư.

Để làm được, Báo Đầu tư phải ý thức rõ ràng về mặt chiến lược phát triển, Việt Nam đang như thế nào về đà, về thế, đang có vấn đề gì cần chia sẻ với thế giới, đang có khát vọng thế nào, Việt Nam đang cùng với thế giới thế nào, đang trở thành thế giới ra sao...

Về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tôi muốn Báo Đầu tư lên tiếng nhiều hơn, để mời được các nhà đầu tư mà nền kinh tế đang cần.

Có thể Báo dành mỗi tuần 1 trang để cùng thảo luận, phân tích thế nào là đầu tư tốt, là hiệu quả đầu tư tốt, là người cấp phép tốt; bàn luận về hệ thống lựa chọn đầu tư, cả về cơ cấu ngành, thị trường, công nghệ, những dòng vốn nào để thực hiện các quy hoạch mà các địa phương đang xây dựng và vấn đề đang nổi là là chất lượng lao động… Chúng ta không thể có dòng đầu tư tốt nếu lao động kém chất lượng, hạ tầng không thông suốt…

Tôi chờ đợi những chuyên mục dài hạn, tuyến bài chuyên sâu hướng tới cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hướng tới doanh nghiệp tử tế, thực lực, có tác động tích cực tới nền kinh tế…

Tất nhiên, không dễ đưa ra được đường hướng, nhưng thiết kế trang mục và thực hiện có khó hơn. Đây là phần việc khó, nhưng đó là con đường mà Báo Đầu tư đã chọn.

Tin liên quan
Tin khác