Không chỉ là thông điệp, một chiến lược đưa đất nước tiến lên phồn vinh, hạnh phúc đã được xây dựng với một tư duy đột phá và một kế hoạch hành động cụ thể. Lần đầu tiên, việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí tự cường đã trở thành một nội hàm mới của các đột phá chiến lược.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành một khát vọng thiêng liêng, lớn lao, có sự hòa hợp của ý Đảng và lòng dân, sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể nhân dân |
Đưa đất nước đến cường thịnh vào các dấu mốc đặc biệt
Hơn một lần, tầm nhìn 2030 và 2045 đã được nhắc đến với khát khao cháy bỏng đưa đất nước Việt Nam đi đến cường thịnh vào các dấu mốc đặc biệt: 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Song đó chỉ là các thông điệp được gửi trao, được chia sẻ. Lần đầu tiên, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, một chiến lược phát triển đưa đất nước tiến lên phồn vinh, hạnh phúc được xây dựng với một tư duy đột phá và một kế hoạch hành động cụ thể.
“Tôi thực sự ấn tượng với điều đó. Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã không chỉ dừng lại ở một chiến lược 10 năm, mà còn có tầm nhìn dài hơi, tới dấu mốc 100 năm thành lập đất nước”, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nói như vậy.
Với ông Thiên, câu chuyện không chỉ là một chiến lược tổng thể với những mục tiêu rõ ràng, những cam kết cụ thể, mà còn là cách tiếp cận về quan điểm phát triển dựa trên một tư duy đột phá, chứ không phải là theo cách thông thường.
“Trong Chiến lược 10 năm, tính khát vọng đã thể hiện rất rõ ràng. Một đất nước, dù có tài nguyên như thế nào mà không có khát vọng, thì cũng không thể phát triển được”, ông Trần Đình Thiên đã nói như vậy.
Không phải bây giờ, khát vọng phát triển đất nước mới được hun đúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ngay từ những ngày đầu lập nước đã nói về khát vọng đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Ngày Bác ra đi, lớp lớp người dân Việt cũng đã thề “đem phồn vinh cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân”.
Nhưng lần đầu tiên, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trở thành một khát vọng thiêng liêng, lớn lao, có sự hòa hợp của ý Đảng và lòng dân, sự đồng tâm, nhất trí của toàn thể nhân dân.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước thậm chí đã trở thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, thành nội hàm mới của các đột phá chiến lược trong giai đoạn tới.
Chiến lược 10 năm 2021-2030 đã chỉ rõ, phải “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Phát biểu bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh điều này. Ông cũng nói rằng, thành công của Đại hội không phải chỉ thông qua Nghị quyết, mà phải thể chế hóa, cụ thể hóa thành những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới để thực hiện Nghị quyết. “Dân phải giàu, nước phải mạnh, đời sống của nhân dân sung sướng hơn. Thế mới gọi là thành công”, Tổng Bí thư đã nói như vậy.
Hiện thực hóa khát vọng bằng hành động đột phá
Là “kiến trúc sư trưởng” của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là người hiểu rõ nhất những cơ hội, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đã và đang đối mặt. Ông luôn nói rằng, Việt Nam đang có “cơ hội vàng” để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc, nhưng quan trọng nhất là phải có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, để từ đó có hành động hiệu quả và chọn được con đường đi đúng nhất, ngắn nhất để tăng tốc phát triển.
Con đường đi tới phồn vinh, hạnh phúc đã được Đảng lựa chọn. Bài toán bây giờ chính là hành động hiệu quả để “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”.
“Lần đầu tiên chúng ta có một phương châm phát triển rất rõ ràng và cụ thể, chứ không phải chỉ là nói chung chung. Đó là ‘phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên’ ở một số lĩnh vực. Điều này thể hiện tính cam kết của Đảng, vừa tạo ra niềm tin, vừa có tính khích lệ rất cao”, TS. Trần Đình Thiên cũng đã nói như vậy.
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Đó chính là cụm từ mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng rất hay dùng, kể từ khi ông chỉ đạo việc xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Với ông, cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại “cơ hội ngàn năm có một” để tăng tốc, phát triển cho Việt Nam. Chính vì thế, không chỉ xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, mà Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã bắt đầu được xây dựng, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam cũng được thiết lập và đang không ngừng được mở rộng.
“Chìa khóa cho sự phát triển của đất nước trong tương lai chính là khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”, không chỉ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điều này.
Ban đầu, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được đề xuất là một trong 5 đột phá chiến lược của Chiến lược 10 năm 2021-2030, cùng với thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở, cũng như một đột phá chiến lược mới là văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam. Song Đại hội XIII đã “chốt” 3 đột phá chiến lược như trước đây, đồng thời bổ sung các nội hàm mới. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và đổi mới sáng tạo chính là hai nội hàm mới.
Không chỉ vậy, hơn một lần, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh rằng, muốn đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội XIII đề ra, phải trông vào phát triển khu vực tư nhân, vào sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Chúng ta chỉ còn 10 năm để làm tốt việc này, vì đến năm 2030, Việt Nam chuyển sang giai đoạn già hóa dân số”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, chính là một trong những người luôn đau đáu với sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam. Ông luôn nói rằng, ở một đất nước 100 triệu dân như Việt Nam, nhưng chỉ có 800.000 doanh nghiệp là quá ít ỏi.
Chiến lược 10 năm đã xác định, phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Đồng thời, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Mục tiêu cũng đã được đặt ra rất rõ ràng, là khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.
Bắt đầu chặng đường đầu tiên
Tầm nhìn 2030 - 2045 đã được đặt ra, với những khát vọng lớn lao. Các mục tiêu cũng đã được đặt ra và được định lượng bằng những con số. Chẳng hạn, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người là 7.500 USD. Còn trong 5 năm tới, 2021-2025, tốc độ tăng trưởng là 6,5-7%, tới năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD.
5 năm tới chính là chặng đường đầu tiên, quan trọng nhất, để Việt Nam đặt nền tảng cho khát vọng phồn vinh, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Tình hình đang khó khăn, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành, khiến cho 2 năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 chỉ có thể thực hiện các giải pháp để hồi phục kinh tế, 3 năm sau mới là thời cơ cho tăng tốc và phát triển.
Nhưng ông Trần Đình Thiên tự tin vào tính khả thi của các mục tiêu đó. Bởi theo ông, 5 năm qua, dù gặp khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng bình quân gần 6%. GDP bình quân đầu người hiện đã đạt mức 3.200 USD. “Nếu chỉ là 4.700 hay 5.000 USD trong 5 năm tới là khả thi. Mức 10.000 - 15.000 USD trong các chặng đường tiếp theo là hoàn toàn có thể đạt được”, ông Trần Đình Thiên nói.
Tất nhiên, với ông Thiên, các chỉ tiêu đó phải được đảm bảo bằng những tiêu hao về nguồn lực vật chất, bằng những nỗ lực vượt lên một đẳng cấp phát triển khác, đặc biệt là về khoa học - công nghệ.
Còn ông Nguyễn Đình Cung nói rằng, cần phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao để tạo áp lực và động lực cho lãnh đạo và cho người dân, từ đó hun đúc khát vọng phát triển đất nước và huy động được sức dân, tất cả vì mục tiêu này. Theo ông Cung, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%/năm, thì đến năm 2045, Việt Nam sẽ bắt kịp Malaysia, đến năm 2045, sẽ bắt kịp Hàn Quốc, tất nhiên với điều kiện các nước này tăng trưởng với mức độ như hiện nay.
“Mục tiêu này, tôi nghĩ không phải không thể làm được, bởi có hàng chục nước đã làm được và thời gian qua đã có một số nước bứt phá, thì tại sao Việt Nam lại không tăng trưởng đến mức đó được”, ông Cung nói.
Phát triển khu vực tư nhân, cải thiện khu vực nhà nước, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tăng hiệu quả đầu tư chính là cách mà ông Cung cho rằng, để Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có lẽ là một trong những người hiểu rõ nhất về việc phải đặt mục tiêu tăng trưởng cao. Suốt cả năm 2020, ông đã có nhiều chuyến công tác tới các địa phương để “hiến kế” xây dựng chiến lược phát triển 10 năm tới cho các tỉnh, thành phố. Tới đâu ông cũng nhấn mạnh việc phải nghĩ lớn, làm lớn và giải bài toán ngược.
Bài toán ngược có nghĩa, phải đặt mục tiêu phát triển cao hơn so với thông thường, rồi tìm giải pháp đột phá để thực hiện bằng được mục tiêu đó, chứ không phải chỉ xây dựng bài toán “xuôi” theo cách dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có rồi đặt ra mục tiêu phát triển vừa tầm. “Như thế thì không thể bứt phá. Chúng ta chỉ có thể phát triển 1 thành 1,5, chứ không phải là thành 2”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đây cũng chính là cách để Việt Nam có thể phát triển đột phá, trước mắt là trong 5 năm tới, đủ để tạo nền tảng cho nước Việt cất cánh trong 10-20 năm tới.
“Nếu để nói một từ khóa cho giai đoạn 2021-2025, tôi chọn cụm từ ‘hạ tầng giao thông’. Chúng ta phải phát triển hạ tầng giao thông. Còn nếu dùng một từ cho năm 2021, thì tôi muốn dùng từ ‘chuyển đổi số’, với ý nghĩa lớn, gồm chuyển đổi số quốc gia, địa phương, doanh nghiệp...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Có lẽ, đó chính là chìa khóa quan trọng để Việt Nam khởi đầu một chặng đường phát triển mới, chặng đường chung khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.