Các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ hạ lãi suất trong năm 2024, có thể là vào tháng 11. Ảnh: AFP |
Chứng khoán và đồng đô la Mỹ cùng đi xuống sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ổn định ở mức 5,25 - 5,5% vào cuối cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày 1/5. Đồng thời, Fed cho biết họ vẫn nghiêng về việc cắt giảm lãi suất về sau.
Tuy nhiên, Fed cảnh báo về các chỉ số lạm phát đáng thất vọng gần đây và cho rằng có thể sẽ gặp phải sự đình trệ trong quá trình hướng tới sự cân bằng hơn của nền kinh tế Mỹ.
Chủ tịch Fed cho rằng, có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để cơ quan này có đủ niềm tin về quỹ đạo lạm phát đang giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững; để từ đó họ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.
"Chúng tôi đã thông báo rằng chúng tôi không kỳ vọng rằng việc giảm ngưỡng mục tiêu của lãi suất liên bang là phù hợp cho đến khi chúng tôi có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang hướng tới mức 2% một cách bền vững", ông Powell nói tại cuộc họp báo ngày 1/5.
"Có khả năng việc đạt được niềm tin lớn hơn như vậy sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến trước đây", ông Powell nhận định.
Fed đã công bố kế hoạch nhằm giảm tốc độ rút gọn bảng cân đối kế toán, sau khi đã dành phần lớn thời gian đầu năm để cảnh báo về việc này.
Ông Matthais Scheiber, trưởng bộ phận quản lý danh mục đầu tư toàn cầu của công ty quản lý tài sản toàn cầu Allspring Global Investments tại London, cho biết: "Đúng như dự đoán, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed - BTV) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản". "Chúng tôi tin rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất cho đến khi nhận thấy giá cả và dữ liệu thị trường lao động suy yếu - có lẽ là không trước khi giảm".
Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI đã giảm 2,22 điểm trong ngày giao dịch 1/5, tương đương 0,29%, xuống 754,39, sau khi tăng cao một thời gian ngắn sau động thái của Fed.
Trên Phố Wall, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 0,23% trong ngày giao dịch 1/5, lên 37.903,29 điểm. Trái lại, chỉ số S&P 500 đóng cửa trượt nhẹ 0,34% về mức 5.018,39 điểm, còn chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm 0,33% về mức 15.605,48 điểm.
Báo cáo việc làm được công ty phân tích dữ liệu ADP công bố trước đó cho thấy bảng lương tư nhân tháng 4 của Mỹ đã tăng nhiều hơn dự kiến trong khi dữ liệu của tháng 3 đã được điều chỉnh cao hơn.
Thế nhưng, báo cáo của Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ cho thấy cơ hội việc làm ở Mỹ trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm, trong khi số người bỏ việc giảm - dấu hiệu cho thấy các điều kiện thị trường lao động đang được nới lỏng và có khả năng hỗ trợ Fed trong cuộc chiến chống lạm phát.
Các thị trường tiếp tục giảm kỳ vọng về thời gian và số đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay. Hiện các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, có thể là vào tháng 11.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ giảm 0,19% về mức 106,12 sau tuyên bố của Fed, mặc dù trước đó chỉ số này đã đạt 106,49 - mức cao nhất kể từ ngày 16/4. Trong khi đó, đồng euro tăng 0,23% lên mức 1 EUR "ăn" 1,0689 USD.
So với đồng yên Nhật, đồng đô la Mỹ đã trượt giá 0,18%, về mức 1 USD đổi được 157,52 JPY, còn đồng bảng Anh nhích 0,01% lên mức 1 GBP đổi 1,2491 USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm 5,4 điểm cơ bản xuống 4,63%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm tới 8,6 điểm xuống 4,9602%.
Thị trường trái phiếu châu Âu đóng cửa nghỉ lễ ngày 1/5 cũng như hầu hết các thị trường chứng khoán ở châu Âu và Trung Quốc, Hong Kong và phần lớn châu Á. Trong số các thị trường vẫn giao dịch, thì chỉ số FTSE của Anh ghi nhận giảm 0,28% còn chỉ số Nikkei của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,34%.