Quốc tế
Chứng khoán Nhật Bản rớt gần 3% sau thông tin GDP Mỹ giảm sốc
Lê Quân - 01/08/2020 07:40
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận những diễn biến đối lập trong phiên giao dịch 31/7 sau thông tin GDP quý II/2020 của Mỹ giảm kỷ lục.
Chứng khoán Nhật Bản rớt điểm nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AFP

Tiếp đà trượt dốc của các phiên giao dịch trước đó, chứng khoán Nhật Bản hôm nay rớt điểm nhiều nhất khu vực với chỉ số Nikkei 225 chốt phiên mất 2,82% còn 21.710 điểm do cổ phiếu “nặng ký” của hãng công nghệ SoftBank trượt sâu 4,39%. Chỉ số Topix hôm nay cũng giảm tương tự 2,82% về 1.496,06 điểm.

Chung sắc đỏ với chứng khoán Nhật Bản, thị trường Australia cũng hứng chịu cú sốc đáng kể khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 2,04% về 5.927,80 điểm.

Trái lại, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay khởi sắc sau thông tin chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức tháng 7 của nước này tăng vượt kỳ vọng. Chỉ số Shanghai Composite kết thúc phiên tăng 0,71% trong khi Shenzhen Component tăng mạnh hơn với 1,27% lên mức 13.637,88 điểm. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số PMI của Trung Quốc đạt 51,1 điểm, cao hơn mức dự báo 50,7 điểm.

″(Trung Quốc) là nền kinh tế duy nhất mà chúng tôi nghĩ sẽ quay trở lại bình thường như trước xuất hiện dịch Covid-19”, ông Sean Taylor, Giám đốc đầu tư phụ trách thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại Tập đoàn quản lý tài sản DWS (Anh) nhận định.

“Chúng tôi rất ấn tượng với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc. Việc chúng ta cần xem xét hiện nay là nó (sức trỗi dậy đó) có bền không”, ông Taylor nói thêm.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong trượt nhẹ 0,07% vào cuối phiên. Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kopsi đóng cửa giảm 0,78% về 2.249,37 điểm. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,16%. Các thị trường chứng khoán Singapore, Malaysia và Indonesia hôm nay đóng cửa nghỉ lễ.

Chính phủ Mỹ hôm 30/7 (giờ Mỹ) công bố GDP quý II/2020 của nước này lao dốc 32,9%, mức giảm sâu nhất kể từ trước đến nay và tiệm cận mức sụt giảm vào giữa năm 1921. Tuy nhiên, mức giảm 32,9% chưa phải là tệ so với mức giảm 34,7% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với Dow Jones trước đó. Đại dịch hoành hành khiến tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ liên tục tăng cao. Số người thất nghiệp tại Mỹ tuần trước sát với dự báo và lên tới 1,434 triệu người, theo Bộ Lao động Mỹ.

Thị trường tiền tệ hôm nay tiếp tục chứng kiến đồng bạc xanh suy yếu. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác trượt từ mốc 93,8 điểm thường thấy trong tuần giao dịch về 92,552. Đồng yên Nhật Bản hôm nay mạnh lên so với đồng bạc xanh và quy đổi 104,35 JPY “ăn” 1 USD so với mức 105,3 JPY/USD thiết lập trước đó. Sau phiên trượt giá hôm qua về 1 AUD/0,716 USD, đô la Australia hôm nay lên giá và giao dịch 1 AUD/0,7217 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay nhích lên. Dầu thô Brent giao kỳ hạn lên giá 0,65% lên 43,22 USD/thùng trong khi giá dầu thô Mỹ giao kỳ hạn tăng thêm 0,7% và giao dịch 40,20 USD/thùng.

Tin liên quan
Tin khác