Tài chính - Chứng khoán
Chứng khoán Việt bước vào thị trường “con gấu”?
Tùng Linh - 16/05/2022 07:55
Cú rơi sâu hơn 56 điểm (giảm 4,53%) đã đưa VN-Index về còn 1.183 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và cũng xuống thấp hơn mức đỉnh giai đoạn năm 2018.
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã đi vào giai đoạn giá xuống.

VN-Index giảm gần 23% từ đỉnh

Phiên giao dịch cuối tuần qua đánh dấu hai cột mốc đáng chú ý trong diễn biến giao dịch của VN-Index, chỉ số sàn chứng khoán TP.HCM và cũng là đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là VN-Index đánh mất mốc 1.200 điểm, điều chưa từng diễn ra từ cuối tháng 3/2021 đến nay. Ngưỡng tâm lý quan trọng 1.200 còn là mức điểm chỉ số này phải mất tới hơn 3 năm mới có thể quay trở lại, từ giữa tháng 4/2018.

Cột mốc thứ hai là, so với mức kỷ lục vừa xác lập hôm 4/4, VN-Index đã giảm 22,6%, trong đó “bốc hơi” tới gần 11% chỉ trong vỏn vẹn một tuần. Mức giảm từ 20% trở lên là một đặc trưng của thị trường con gấu (bear market) với xu hướng giá xuống áp đảo.

Thống kê cũng cho thấy, giá cổ phiếu của 70% mã chứng khoán đang giao dịch dưới MA200 (đường trung bình của chuỗi giá trong 200 phiên giao dịch), số lượng cổ phiếu giảm 30-50% từ đỉnh cũng rất lớn.

“Xu hướng trung và dài hạn đã gãy. Thị trường hiện đã đi vào giai đoạn giá xuống”, ông Lã Giang Trung, CEO Công ty đầu tư Passion Investment đưa ra nhận định về thị trường.

Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh nhận định, xu hướng trung hạn khó quay về tích cực. Dòng tiền trên thị trường đã giảm từ tháng 11/2021. Các nhịp tăng được hỗ trợ từ việc bên bán tạm ngưng, mà không phải do lực mua tăng thêm.

Kịch bản mà ông Lã Giang Trung đánh giá có khả năng xảy ra nhiều nhất là VN-Index giảm về mức 950 điểm. Nguyên nhân là yếu tố tiêu cực từ việc thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng các ngân hàng trung ương trên thế giới sau giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế hậu đại dịch thông qua tăng lãi suất và thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán. Tình hình lạm phát cao - điều đang làm khó các ngân hàng trung ương, tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi xung đột tại Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách Zero Covid.

Cũng theo ông Lã Giang Trung, điểm phục hồi của thị trường khả năng cao sẽ rơi vào tháng 3/2023, khi người dẫn dắt dòng tiền là các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể đã dừng việc thu hẹp bảng cân đối.

Lo ngại về việc thị trường tài chính bước sang giai đoạn giá xuống không phải là câu chuyện của riêng chứng khoán Việt Nam. Chỉ số S&P 500 của Mỹ đã giảm 18% từ mức đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 1/2022. Nhiều thị trường cũng đã giảm trên dưới 10%.

Cuộc họp của Fed ngày 4/5 đã đưa ra quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm phần trăm - mức cao nhất trong hơn 20 năm. Lạm phát leo cao khiến Fed phải quyết liệt hơn.

Không riêng thị trường cổ phiếu, trái phiếu của hàng loạt chính phủ cũng bị bán tháo, đẩy lợi suất trái phiếu lên cao. Thị trường tiền mã hóa cũng chứng khiến cú sập mạnh tuần qua, làm dấy lên lo ngại về những ảnh hưởng liên thông giữa các thị trường.

Câu chuyện của nội lực

Xu hướng tiêu cực của hầu hết các thị trường tài chính toàn cầu là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam giữ tâm lý thận trọng. Hai năm qua, xu hướng tăng của thị trường Việt Nam cũng “đồng pha” với phần lớn các thị trường trên thế giới. Trong chu kỳ giá xuống của toàn cầu với nhịp điều chỉnh giảm sâu hai con số tại nhiều thị trường, VN-Index cũng khó nằm ngoài vùng ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những câu chuyện riêng hỗ trợ. Trong đó, mặt bằng lãi suất tại Việt Nam được kỳ vọng vẫn có khả năng duy trì ổn định ở mức thấp để hỗ trợ kinh tế phục hồi.

Trong một báo cáo mới đây, Bộ phận Nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đánh giá, áp lực lạm phát của Việt Nam duy trì ở mức thấp trong khu vực ASEAN. Dù nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi và giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, tổ chức này dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,7% trong năm 2022, thấp hơn mục tiêu kìm lạm phát dưới 4% đề ra.

Xét về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn, số liệu báo cáo tài chính quý I/2022 cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng gần 34% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong chia sẻ mới đây, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiết lộ, cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra. Mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đã được đề ra nhiều năm qua và thực tế cũng phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường.

Một điểm đáng chú ý trong các tuần giao dịch tiêu cực gần đây là nhà đầu tư nước ngoài đang là bên mua ròng chính. Khối ngoại đã ròng rã bán hơn 2 năm trước với giá trị bán ròng kỷ lục 62.237 tỷ đồng trong năm 2021 và 18.794 tỷ đồng trong năm 2020. Thống kê từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, khối này vẫn bán ròng, nhưng giá trị không lớn, chỉ khoảng 26 triệu USD.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài rút ròng 251 triệu USD trong tháng 1 và 2, nhưng đã quay lại mua ròng 225 triệu USD trong tháng 3 và tháng 4. Cùng với đó, ngay trong tháng 4 “giông bão” của thị trường, số lượng tài khoản mở mới vẫn đạt trên 230.000 tài khoản, chỉ ít hơn số tài khoản mở mới kỷ lục hồi tháng 3 liền trước.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang cho thấy quyết tâm đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Về giải pháp trong ngắn hạn, Ủy ban, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại.
Tin liên quan
Tin khác