Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp tại Lễ công bố xuất khẩu lô hàng đầu tiên năm 2022 sang thị trường châu Âu |
Nhiều hoạt động phong phú, đặc trưng
Chính quyền huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh tích cực phối hợp với sở, ngành chức năng trong tỉnh khẩn trương xúc tiến phối hợp, chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất và hậu cần để tổ chức thật hiệu quả Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2022 để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng xoài, giới thiệu thương hiệu “Xoài Cao Lãnh” đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2022 còn có mục đích hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển vùng trồng xoài, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Thông qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng bá thương hiệu ngành hàng xoài. Giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc trưng, văn hóa ẩm thực, món ăn dân gian được chế biến từ trái xoài gắn với phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch. Tôn vinh hoa xoài, người trồng xoài, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế cho các sản phẩm chế biến từ xoài Cao Lãnh, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; thu hút du khách đến tham quan du lịch huyện Cao Lãnh, TP. Cao Lãnh nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Theo Ban tổ chức, yêu cầu đặt ra của hoạt động tại Lễ hội Xoài phải đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo tốt an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn thực phẩm và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau lễ hội.
Với chủ đề “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”, Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 5/7/2022 đến ngày 8/7/2022 (trùng với những ngày tổ chức Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường lần thứ 202). Địa điểm chính sẽ được tổ chức tại Công viên Hai Bà Trưng (phường 2); Cầu cảnh quan (phường 2), đường Nguyễn Thái Học, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường 4) và tại Vườn Xoài tiêu biểu tại phường 6 (xã Tịnh Thới, xã Tân Thuận Tây) thuộc TP. Cao Lãnh và các vườn xoài ở huyện Cao Lãnh.
Nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá sâu rộng, kết hợp với chương trình nghệ thuật lễ khai mạc, lễ ra mắt thành lập Chi hội Xoài (trực thuộc Hiệp hội Rau Quả Việt Nam). Tổ chức Không gian ngôi nhà chung: khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá thương hiệu “Xoài Cao Lãnh”, giới thiệu sản phẩm “Cây Xoài Nhà Tôi” và các cây xoài giống, các sản phẩm từ xoài; khu kết nối các doanh nghiệp giao dịch thương mại điện tử, khu cà phê doanh nghiệp, gian hàng quà tặng. Khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, khu gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh tại vị trí đường Nguyễn Thái Học (đoạn cầu Đúc - đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Cao Lãnh). Khu thiếu nhi diễn ra các hoạt động thi vẽ tranh, đọc sách, nặn tượng và các hoạt động kích hoạt.
Trong lĩnh vực hoạt động ẩm thực món ngon từ xoài và bánh dân gian sẽ bao gồm Hội thi “Các món ngon từ Xoài”; hoạt động Chợ nổi trên sông Cao Lãnh; dâng lễ vật tại Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường.
Ngoài các hoạt động trên, Lễ hội còn tổ chức Farmtrip, tham quan trải nghiệm các vườn xoài tại TP. Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh; Hội thi tạo hình nghệ thuật trái cây, xoài do UBND huyện Cao Lãnh đăng cai thực hiện; Chạy roadshow dọc các tuyến đường chính của TP. Cao Lãnh; Chương trình nghệ thuật hằng đêm trong các ngày diễn ra Lễ hội; Lễ “Tôn vinh các nông dân - nghệ nhân ngành hàng xoài”; Hội thảo về phát triển chuỗi ngành hàng xoài; trực tuyến Lễ hội Xoài tại điểm cầu TP. Hà Nội…
Lô hàng xuất khẩu Xoài Đồng Tháp đầu tiên năm 2022 sang châu Âu |
Phát triển thương hiệu Xoài Đồng Tháp theo hướng sinh thái hữu cơ, chất lượng và hiệu quả
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, gần 20 năm qua, tỉnh hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, trong đó có xoài tập trung ở TP. Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh.
Toàn tỉnh hiện có 13.000 ha xoài, đứng đầu vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với sản lượng 113.000 tấn mỗi năm. Trong đó, 90% diện tích có bao trái, 353 ha đạt chứng nhận VietGAP, 55 ha đath chứng nhận GlobalGAP. Những kết quả trên là niềm phấn khởi, tự hào của nông dân trong tỉnh, nhất là 2 địa phương là huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, xoài Việt Nam hiện đã xuất khẩu 40 nước trên thế giới, không ngừng tìm kiếm đa dạng hóa thị trường, và hướng xuất khẩu chính ngạch để nâng giá trị ngành hàng. Xoài Đồng Tháp vươn đến thị trường châu Âu đánh dấu cột mốc quan trọng, trong giai đoạn hậu Covid-19 góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định chất lượng, thương hiệu nông sản Việt"
Đáng chú ý, xoài tại xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - vùng trồng xoài nổi tiếng nhất miền Tây Nam bộ) luôn được đánh giá là ngon nhất và có giá trị cao nhất miền Tây. Không chỉ vậy, xoài Mỹ Xương còn nổi tiếng là an toàn, bởi 100% các hộ thành viên của Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương đều phải ký cam kết tuân thủ quy trình trồng xoài đạt chuẩn GlobalGap. Đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất về Chất lượng - Kích thước - Quy trình trồng trọt an toàn, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xuất khẩu xoài tới các thị trường khó tính nhất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và Australia.
Tiên phong trong việc chuyển đổi trồng xoài sang hữu cơ, nhiều nhà vườn của huyện Cao Lãnh đang tìm hướng đi mới để sản xuất ra những trái xoài an toàn hơn, có giá trị cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Xoài Cao Lãnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2019 - vùng trồng xoài nổi tiếng nằm trong câu hát dân gian của người miền Tây: "Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh".