Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO) và PTT Exploration (PTTE) - hai nhà đầu tư nước ngoài có 25 năm theo đuổi Dự án khai thác khí Lô B và Dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn lại vừa có thư gửi tới Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí nhằm đẩy nhanh tiến độ gỡ các vướng mắc bấy lâu để chuỗi dự án này thoát khỏi cảnh bế tắc hiện nay.
Trong thư này, các nhà đầu tư đã viết, “chúng tôi khẩn thiết đề nghị Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo dành thời gian xem xét và ủng hộ các đề xuất, đề thúc đẩy chuỗi Dự án khí Lô B sớm được triển khai”.
Ngày 1/9/2017, PVN, PVEP, PV GAS và các đối tác nước ngoài là MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) đã thống nhất ký Thỏa thuận về giá khí miệng giếng và cước phí vận chuyển khí về bờ. |
Về cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết tiêu thụ hết khí cho Dự án điện Ô Môn III trong tháng 12/2021 để kịp tiến độ có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2025.
Đồng thời có ý kiến chấp thuận cơ chế chuyển ngang khối lượng khí cam kết tiêu thụ từ hợp đồng mua khí (GAS) sang hợp đồng mua điện (PPA) đối với các nhà máy điện hạ nguồn thuộc chuỗi dự án khí Lô B.
Theo các nhà đầu tư, chủ trương này sẽ giúp Việt Nam có một bước đi mang tính chiến lược, tháo gỡ một cách dứt điểm vướng mắc hạ nguồn nhiều năm nay để triển khai chuỗi dự án khí Lô B.
Sau khi khối lượng khí của Dự án điện Ô Môn III được cam kết, sẽ có quỹ thời gian hơn 5 năm để chủ đầu tư và các bên liên quan tiến hành hoàn tất mọi thủ tục, công việc cần thiết cho phép Nhà máy điện Ô Môn III sẵn sàng tiếp nhận khí (các công việc gồm ban hành Nghị quyết 56 sửa đổi, phê duyệt đề xuất dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và công tác đấu thầu, xây dựng).
Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn gồm dự án khai thác khí, đường ống dẫn khí từ mỏ vào bờ và các nhà máy điện được xem là một dự án trọng điểm dầu khí với tổng mức đầu tư cả chuỗi là hơn 10 tỷ USD.
Chuỗi dự án sẽ cung cấp khí tự nhiên để phát điện hơn 20 năm cho 4 nhà máy điện ở Trung tâm điện lực Ô Môn có tổng quy mô khoảng 3.800 MW.
Tổng nguồn thu dự kiến của Chính phủ từ Dự án khí Lô B (không bao gồm điện) là khoảng 22 tỷ USD trong suốt vòng đời của dự án.
Với trữ lượng dầu khí tại chỗ mức 2P là 6.008 tỷ bộ khối (170 tỷ m3) khí, 4 triệu m3 condensate (25,25 triệu thùng condensate) và trữ lượng dầu khí dự kiến thu hồi 3.785 tỷ bộ khối (107 tỷ m3) khí, 2 triệu m3 condensate (12,65 triệu thùng condensate) đã được các cơ quan hữu quan Việt Nam phê duyệt.
Trữ lượng khí này sẽ được gia tăng khi triển khai thêm các hoạt động thăm dò mở rộng tại phần diện tích còn lại của các Hợp đồng PSC.
- Năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tiếp nhận 100% cổ phần các công ty và quyền điều hành của Công ty Dầu khí Chevron (Hoa Kỳ) tại Việt Nam bao gồm công ty Chevron Vietnam (Block B) Ltd, nắm giữ 42,38 % quyền lợi tham gia Hợp đồng chia sản phẩm (PSC) Lô B & 48/95; Công ty Chevron Vietnam (Block 52) Ltd nắm giữ 43,40 % PSC Lô 52/97 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam và Công ty Chevron Southwest Vietnam Pipeline Co. Ltd nắm giữ 28,7% quyền lợi tham gia trong Dự án đường ống dẫn khí tự nhiên khai thác ngoài khơi phía Tây Nam tới các hộ tiêu thụ khí tại Việt Nam.
- Hiện các nhà đầu tư trong Dự án khai thác khí Lô B gồm PVN, Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), MOECO và PTTEP.
- Nhà đầu tư dự án đường ống gồm PVN (Nhà điều hành), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS), MOECO và PTTEP.
Các công ty dịch vụ trong nước sẽ có cơ hội đấu thầu cung cấp các dịch vụ thiết kế, mua sắm, xây lắp cho các gói thầu của dự án với tổng trị giá lên tới 3,9 tỷ USD.
- Ngoài ra các các công ty cung cấp dịch vụ khoan có cơ hội tham gia các gói thầu lên tới 2,9 tỷ USD.