Những năm gần đây, Đà Nẵng trở thành điểm du xuân cho nhiều gia đình du khách trong và ngoài nước. Năm nay cũng không ngoại lệ, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, dự kiến thành phố Sông Hàn sẽ đón hơn 300.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp Tết Kỷ Hợi.
Đường hoa Tết ven sông Hàn là địa điểm ưu thích của du khách khi đến với Đà Nẵng trong dịp tết nguyên đán |
Để giúp du khách năm được những thông tin cần thiết khi đến Đà Nẵng trong dịp Tết nguyên đán, Báo Đầu tư điện tử thông tin những chương trình đón Tết diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng> Theo đó, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra trên địa bàn Đà Nẵng trong thời điểm này.
Đêm giao thừa, du khách có thể chiêm ngưỡng tình diễn pháo hoa nghệ thuật và hệ thống bắn Fireone. 3 địa điểm bắn pháo hoa gồm: cầu Nguyễn Văn Trỗi (giáp ranh 3 quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà), trước Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu (khu đất thuộc dự án Kim Long Nam), khu Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang (đầu đường phía tây trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang).
Biểu tượng cầu Vàng nổi tiếng của Bà Nà Hills cũng được tái hiện tại đường hoa tết năm này |
Trong thời khắc chờ đón giao thừa, du khách đắm mình trong không khí sôi động với chương trình nghệ thuật “Sắc xuân” từ 21 giờ 30 đến 24 giờ (ngày 4-2, tức 30 Tết) tại công viên bờ đông cầu Rồng do Nhà hát Trưng Vương thực hiện. Cuối chương trình sẽ diễn ra hoạt động đếm ngược đón giao thừa.
Từ 19 giờ 00 ngày 3-2 (tối 29 tháng Chạp) đến 9 giờ ngày 10-2 (tối mồng 6), tại Công viên 29-3 (số 27 Điện Biên Phủ) diễn ra nhiều sự kiện vui chơi, giải trí hấp dẫn và 20 gian hàng trò chơi dân gian. Hơn 20 chương trình nghệ thuật, văn nghệ biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách tham quan Hội hoa Xuân như: “Mr &Miss Baby”; “Giọng hát tài năng nhí”; vẽ tranh “Em yêu mùa Xuân”, trình diễn thời trang “Duyên dáng Xuân”; chung kết hội thi “Tài năng nghệ thuật thành phố Đà Nẵng 2019”; nghệ thuật hát tuồng, bài chòi, biểu diễn Cờ người, Roi trường… Bên cạnh đó, tại đây trưng bày sinh vật cảnh với gần 1.000 tác phẩm của các nghệ nhân thuộc Hội Nghệ thuật hoa viên; và các Hội thi chim vành khuyên, Hội thi chim chào mào…
Cũng trong dịp Tết này, các bảo tàng trên địa bàn thành phố mở cửa đón du khách tham quan. Trong đó, Bảo tàng Mỹ thuật triển lãm “Mùa xuân con giáp - Kỷ Hợi” đến hết ngày 14-2; đồng thời đón và tặng quà cho những vị khách xông đất nhân dịp Tết Nguyên đán 2019. Ngày 5-2 (mồng một Tết), Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức chương trình “Lộc Xuân đầu năm”. Bảo tàng Điêu khắc Chăm trưng bày thêm chuyên đề kết quả khai quật khảo cổ di tích tháp Chăm Phong Lệ từ năm 2011 đến 2018.
Đêm giao thừa du khách có thể chiêm ngưỡng bắn pháo hoa nghệ thuật chào năm mới tài nhiều địa điểm |
Tối ngày 3-2 (29 tháng Chạp) và 10-2 (mồng 6 tháng Giêng), từ 19 giờ 45 đến 20 giờ 45, tại công viên bờ tây cầu Rồng (đối diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm), CLB Kèn hơi Đà Nẵng thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố biểu diễn nhạc hơi các ca khúc cách mạng Việt Nam và ca khúc nổi tiếng quốc tế bằng các nhạc cụ hơi (kèn đồng) và trống.
Đến Đà Nẵng dịp này, du khách được xem phun nước, phun lửa trên cầu Rồng trong các đêm ngày 3 đến 6-2 (tức các đêm 29, 30 tháng Chạp năm Mậu Tuất và mồng một và hai tháng Giêng năm Kỷ Hợi).
Ngoài ra, du khách có thể dạo chơi và chụp hình lưu niệm tại các cụm trang trí hoa Tết như: khu vực đường Thành Điện Hải trước Trung tâm Hành chính; khu vực vỉa hè phía tây trước số 42 – 44 Bạch Đằng; vỉa hè phía đông cầu chữ T Bạch Đằng; vỉa hè phía tây trước số 72 Bạch Đằng; các giàn lam bê-tông dọc theo đường Bạch Đằng; khu nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Hoàng Diệu; nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ – Duy Tân; công viên trung tâm đường Hùng Vương; Công viên Biển Đông. Đặc biệt, khu vực đường hoa ở phía tây cầu Rồng khá ấn tượng, mới lạ với mô hình cầu Vàng nổi tiếng trên đỉnh Bà Nà tạo nên điểm nhấn giữa lòng thành phố.