Chia sẻ tại hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam" chiều ngày hôm nay (15/9) tại Bình Dương, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Điều này góp phần hình thành nên bức tranh toàn cảnh với nhiều cơ hội lớn và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này là làm sao có thể chớp lấy thời cơ, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries) chia sẻ, Tập đoàn đang có những chiến lược đầu tư mạnh vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua nhiều mô hình đầu tư liên kết khác nhau. Đây là bước đi tất yếu khi tập đoàn đã tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries) chia sẻ tại sự kiện |
Hiện nay, Thaco đã chủ động trong sản xuất và tiến tới liên kết, tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp bên ngoài, những đối tác có thể giúp hãng tăng khả năng hấp thu các đơn hàng theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, tiến độ, thời gian…
“Trong dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng bị đình trệ và đơn hàng bị dồn ứ, sự liên kết này đã giúp chúng tôi giải quyết nhu cầu tăng vọt, giải tỏa áp lực sản xuất tại một thời điểm. Quan trọng hơn, đây là hướng đi phát triển tất yếu của sản xuất mở rộng”, ông Minh Tâm nói.
Theo nhà sản xuất này, xu hướng dịch chuyển cung ứng cho thấy không một nhà sản xuất nào có thể tự mình tự sản xuất toàn bộ các bộ phận, linh kiện của một sản phẩm, đó cũng là thách thức của hoạt động sản xuất công nghiệp quy mô lớn.
Việc tổ chức sản xuất gia công bên ngoài đi kèm đó là những hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, thậm chí chuyển giao công nghệ… có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hợp tác chia sẻ đơn hàng, cũng như kinh nghiệm, quản trị còn giúp doanh nghiệp trong mạng lưới đối tác trưởng thành hơn, chuẩn hóa được chất lượng sản phẩm.
Toàn cảnh buổi Hội thảo |
Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM cho biết, làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, để đón nhận nhanh xu hướng này buộc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tự đổi mới mình và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với Công ty Duy Khanh, từ năm 2016, ông Tống đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực cơ khí nên quyết định đầu tư thêm nhà máy ở Khu công nghệ cao TP. HCM. Dự kiến cuối năm 2022, nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp đối tác đặt hàng.
“Nếu có những chính sách hỗ trợ và thông thoáng hơn cho các nhà sản xuất trong nước tham gia vào lĩnh vực cơ khí, chế tạo thì doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tận dụng được cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng hiện nay”, ông Tống cho hay.
Chia sẻ với lo lắng của nhiều doanh nghiệp về việc khi chuyển dịch chuỗi cung ứng, ông Lai Xuân Đạt, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, trong hoạch định chính sách sắp tới, Bình Dương sẽ hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thu hút đầu tư, thời gian tới Bình Dương cũng có sự điều chỉnh sau gần 30 năm phát triển công nghiệp.
“Khi chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng thường kéo theo cả “hệ sinh thái” của họ. Vì vậy, làm sao để vừa thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng cũng vừa khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước là trăn trở của các nhà hoạch định chính sách”, ông Đạt chia sẻ.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương |
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, định hướng sắp tới của tỉnh là quan tâm nhiều hơn để phát triển, thu hút đầu tư trong nước để hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong nước mạnh, phát triển đồng hành với các doanh nghiệp FDI.
Tại Bình Dương, hiện có trên 4.000 doanh nghiệp FDI và trên 50.000 doanh nghiệp trong nước. Nếu như doanh nghiệp nước ngoài giúp Bình Dương đứng top đầu cả nước về vốn FDI (8 tháng đầu năm 2022 thu hút trên 2,6 tỷ USD, xếp thứ hai cả nước chỉ sau TP.HCM), thì dòng vốn đầu tư trong nước cũng không nhỏ (8 tháng tổng vốn đăng ký là trên 62.000 tỷ đồng, xấp xỉ 2,7 tỷ USD).
Về chiến lược, bên cạnh hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Bình Dương còn có những chiến lược dài hơi để phát triển hạ tầng, trong đó sẽ hình thành thêm các cảng đường sông trên sông Sài Gòn, khu công nghiệp khoa học - công nghệ, nghiên cứu tuyến đường sắt riêng cho vận chuyển hàng hóa để kết nối các khu công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ với các cảng...