Thời sự
Chuyển đổi linh hoạt đất lúa, không để nông dân nghèo phải "bao cấp" gạo cho thế giới
An Nguyên - 13/10/2021 15:53
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp.

Tiếp tục phiên họp thứ tư, chiều 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Một trong những mục tiêu của quy hoạch, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, là bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%.

Các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết tổng diện tích đất nông nghiệp trên toàn quốc tính đến 31/12/2020 là 27,98 triệu ha, trong đó có 3,92 triệu ha trồng lúa, giảm 202.930 ha. Để đảm bảo an ninh lương thực, quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa là 3,57 triệu ha.

Theo đề xuất của Chính phủ, trong số 3,57 triệu ha đất trồng lúa, có thể cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt với diện tích khoảng 300.000 ha, nhưng được bảo vệ, không làm thay đổi tính chất, các điều kiện phù hợp để khi cần thiết vẫn trồng lúa trở lại.

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu, trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt, có đặc trưng riêng về thành phần lý hóa tính, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài.

Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa (tầng canh tác, hệ thống thủy lợi, không làm nhiễm mặn, phèn, làm ô nhiễm, thoái hóa đất). Khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác thì cũng không dễ chuyển lại thành đất lúa.

Để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Vấn đề tiếp theo được cơ quan thẩm tra đề cập là theo dự thảo quy hoạch, diện tích đất lúa đến năm 2030 giảm 348.770 ha, nhưng giảm tập trung tại vùng Đồng bằng Sông Hồng (101.800 ha), vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (88.560 ha)… và nhiều diện tích sẽ được chuyển sang đất phi nông nghiệp (trong đó có khu công nghiệp).

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, hạn chế việc chuyển đổi đất lúa (nhất là đất chuyên trồng lúa) tại các vùng có tiềm năng trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp.

Ủng hộ đề xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng linh hoạt trên đất lúa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói, nếu cứ "bắt" nông dân nghèo phải trồng lúa sau đó xuất khẩu, thu hoạch 50 - 70 triệu đồng/ha một năm, trong khi đó nếu chuyển sang trồng cây khác có thể thu hoạch được 500 - 700 triệu đồng thì chẳng khác nào "bao cấp" cho cả thế giới về lúa gạo.

Vì thế, ông Cường đề nghị nên cho phép linh hoạt chuyển đổi, với điều kiện khi cần thì lại có thể chuyển sang trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

Đất lúa giảm, nhưng nhiều loại  đất khác, theo quy hoạch sẽ tăng. Cụ thể đất quốc phòng đến 31/12/2020 là 243.160 ha, quy hoạch sử dụng đến năm 2030 là 289.070 ha, tăng 45.910 ha.

Hiện trạng đất an ninh đến 31/12/2020 là 52.710 ha. Đến năm 2030 là 72.330 ha, tăng 19.620 ha. Đất khu kinh tế đến 31/12/2020 là 1,63 triệu ha với 44 khu kinh tế. Quy hoạch đến năm 2030 có 45 khu kinh tế với diện tích là 1,65 triệu ha tăng 15.400 ha.

Hiện trạng đất đô thị đến 31/12/2020 là 2,03 triệu ha. Để từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam, quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030 là 2,95 triệu ha, tăng 925.780 ha, đáp ứng yêu cầu tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%, Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo.

Sau khi tiếp tục hoàn thiện, quy hoạch sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20/10 tới.

Tin liên quan
Tin khác