Đó là khẳng định của ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022.
Theo ông Dũng, chuyển đổi số, hiểu một cách đơn giản nhất, là đưa toàn bộ hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính phủ lên môi trường số một cách an toàn. Mọi người có thể nghĩ, lên môi trường số thì mất an toàn, nhưng đúng ra, lên môi trường số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng đúng cách thì an toàn hơn. Cũng giống như chữ ký số thì an toàn hơn chữ ký tươi.
“Trước đây, chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin thì mới đưa một phần, vì vậy, nhiều lúc vẫn là quy trình kép, vừa bản điện tử, vừa bản giấy, nên có lúc là nửa vời và chưa mang lại hiệu quả đột phá. Chuyển đổi số là toàn trình. Trong quá trình chuyển đổi ấy, thể chế đóng vai trò quan trọng nhất. Thể chế động viên người dám làm và bảo vệ dám làm”, ông nói.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2022. Ảnh: Lê Toàn |
Theo ông Dũng, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thể chế để vào năm 2025, giao dịch điện tử có giá trị pháp lý như giao dịch giấy, giao dịch trực tuyến nhanh hơn và rẻ hơn giao dịch giấy, và vì thế, giao dịch trực tuyến sẽ thay thế giao dịch giấy. Do đó, ông đề xuất TP.HCM hãy đi đầu và cụ thể hóa điều đó ngay trong giai đoạn 2022 – 2023.
Trong đó, về chính quyền số, điểm đột phá nhất vẫn là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cách làm của TP.HCM thời gian qua là triển khai phân tán theo từng quận, huyện. Điều này giúp Thành phố trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến.
Nhưng để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu, và xa hơn nữa, là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chất lượng tương đương các thành phố dẫn đầu trong khu vực, TP.HCM vẫn cần nỗ lực tìm tòi cách làm mới. Chẳng hạn, nhanh chóng hợp nhất Cổng Dịch vụ công trực tuyến với hệ thống một cửa điện tử đang phân tán hiện nay thành một nền tảng giải quyết thủ tục hành chính thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn thành phố.
Nhưng dù theo cách làm nào, TP.HCM vẫn nên xác định mục tiêu là tối thiểu 70% hồ sơ xử lý trực tuyến và giảm 30% thời gian trung bình xử lý một trung tâm hành chính. Nếu đột phá hơn, Thành phố có thể đặt mục tiêu là cung cấp dịch vụ công trực tuyến có trải nghiệm mượt mà giống như sử dụng thư điện tử hay sử dụng mạng xã hội phổ biến hiện nay.
Nếu đột phá hơn nữa, Thành phố hãy tìm cơ chế cho phép nhiều bên, gồm cả các doanh nghiệp, cùng tham gia vào tối ưu hóa trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến. Điểm đột phá thứ hai là tăng cường tỷ lệ giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến thay vì 100% làm theo cách tiếp xúc trực tiếp như hiện nay.
Cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống giám sát trực tuyến kết nối với hệ thống thông tin của đối tượng quản lý thông qua các API để lấy dữ liệu phục vụ công tác quản lý đã được quy định bởi pháp luật.
“Nếu Thành phố có thể nhanh chóng hiện thực hóa các điều này, đây là sẽ môi trường nuôi dưỡng rất tốt cho kinh tế số và xã hội số phát triển”, ông Dũng nhấn mạnh.
Về kinh tế số, Chiến lược quốc gia đã xác định rõ nội hàm kinh tế số Việt Nam có 3 thành phần bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông; Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng và Kinh tế số ngành, lĩnh vực.
TP.HCM đủ tiềm năng để phát triển toàn diện cả 3 thành phần kinh tế số. Dư địa phát triển kinh tế số TP.HCM trong ngắn hạn và trung hạn nằm ở phát triển kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành, lĩnh vực.
Nhưng để phát triển kinh tế số thì TP.HCM cần thu hút được nhân tài. Các trung tâm công nghệ lớn thường được đặt xung quanh các trung tâm giáo dục lớn về khoa học - công nghệ để tận dụng nhân lực từ những cơ sở này.
TP.HCM hãy xem một trong những việc đáng làm nhất để phát triển kinh tế số là thu hút nhân tài công nghệ từ khắp thế giới về khởi nghiệp, làm việc ở TPHCM bằng các cơ chế chính sách ưu đãi "thực tế" và "thực sự hấp dẫn". Đây là cách căn cơ và nhanh nhất để phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.
Theo ông Dũng, tương lai của mỗi thành phố, mỗi quốc gia bắt đầu từ những trường học của họ. Thành phố hãy chú trọng tới chuyển đổi số các trường học, có thể bắt đầu từ trường đại học, phát triển đại học số, để trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực số hàng đầu của Đất nước và khu vực.
Bắt đầu từ việc áp dụng mô hình đại học số để đào tạo các kỹ sư, cử nhân công nghệ số cho tương lai. Khi trở thành một trung tâm về nhân lực số, thì việc trở thành trung tâm về kinh tế số và xã hội số sẽ đến như là một hệ quả tất yếu.
“Chuyển đổi số không phải là thêm việc mới, mà chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới để giải quyết những vấn đề chúng ta đang gặp phải, thậm chí là để giải quyết những vấn đề mà lâu nay chúng ta chưa có cơ hội để giải quyết được”, ông nói và cho rằng, những điều vừa nêu chỉ là một lát cắt của các Chiến lược quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Chính phủ số là để phục vụ người dân tốt hơn. Kinh tế số là để người dân giàu hơn. Xã hội số là để người dân hạnh phúc hơn. Do vậy, chuyển đổi số là một hành trình dài đầy thách thức, nhưng cũng đầy ý nghĩa.