Y tế - Sức khỏe
Chuyên gia đề xuất cần phân ra các nhóm "ưu tiên" tiêm chủng vắc-xin Covid-19
D.Ngân - 28/06/2022 13:15
Khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19 và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-COV2, liều tiêm nhắc lại thực sự cần thiết.

Trong bối cảnh Việt Nam gần như đạt miễn dịch cộng đồng, số ca nhiễm Covid-19 tăng không đáng kể và tỷ lệ tử vong thấp, tiến độ tiêm chủng chậm lại đã gây tồn đọng vắc-xin tại tuyến trung ương và tuyến tỉnh. 

Trước nguy cơ dư thừa, phải tiêu hủy vắc-xin, đại diện Bộ Y tế yêu cầu 20 tỉnh miền Nam tiêm hết vắc-xin đã phân bổ trước 30/6. TP.HCM và Bình Phước cũng yêu cầu người dân không đồng ý tiêm chủng thì phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, tiêm chủng phòng Covid là rất quan trọng, ngay cả thời điểm hiện tại khi dịch đã cơ bản được kiểm soát tốt. Nhưng theo bác sĩ Phúc, nên phân ra các nhóm “ưu tiên”, khuyến khích, vận động từng nhóm tự nguyện tiêm chủng để bảo vệ bản thân và cộng đồng. 

Bộ Y tế liên tục đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 nhưng một số chuyên gia y tế lại có cách nhìn khác về việc này.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ nghiêm trọng của Covid có mối liên hệ chặt chẽ với tuổi tác, với tính dễ bị tổn thương. 

Chẳng hạn, tỷ lệ tử vong ở người trên 80 tuổi là gần 8%, trong khi chỉ 0,0016% ở trẻ em dưới 10 tuổi, như vậy người già phải thuộc nhóm “ưu tiên” vận động tiêm chủng. 

Các nhóm nguy cơ rất cao mắc Covid-19 gồm những người làm công việc tiếp xúc nhiều (ví dụ nhân viên y tế, những người làm công việc tiếp đón, nhân viên thu ngân, nhân viên bán hàng);

Những nhóm dễ mắc bệnh và khi nhiễm sẽ có nguy cơ trở nặng và tử vong như người cao tuổi, người mắc các bệnh nền (bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, các bệnh mãn tính, ung thư). 

Việc triển khai tiêm vắc-xin thành công, đòi hỏi phải có thời gian, cung cấp thông tin cho người dân để tạo nên sự tin tưởng, từ đó vận động các nhóm đối tượng tiêm chủng. 

Được biết, hiện cả nước hiện có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vắc-xin phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc lại. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản.

Theo PGS.TS.Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm đủ các mũi cơ bản, nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Bên cạnh đó, hội chứng hậu Covid-19 - một trong những hội chứng có biểu hiện triệu chứng đa dạng, phức tạp nhất và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. 

Theo thông báo trong tháng 6/2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu Covid-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu Covid-19.

Do đó, việc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.

“Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2”, bà Hồng nói.

Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

Còn theo GS.TS.Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa khôn lường và hiệu quả vắc-xin giảm dần theo thời gian. 

Chuyên gia này nhấn mạnh, hiện nay chưa biết được kháng thể nào có thể bảo vệ được trước Covid-19 vì việc đánh giá miễn dịch tế bào không đơn giản. Nhưng những so sánh cho thấy, người đã tiêm vắc-xin, đã mắc thì kháng thể tăng rất cao, kháng thể bảo vệ lâu hơn với người chưa tiêm. 

Khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19 và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-COV2, liều tiêm nhắc lại thực sự cần thiết giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do Covid-19. 

Tới đây có nhiều hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ tiêm mũi 4 cho nhóm người nguy cơ, tiêm nhắc lại cho người từ 12-17 tuổi. 

Đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, hiện nay các viện sẽ sử dụng hiệu quả số vắc-xin còn đang dự trữ ở kho quốc gia, kho tại các khu vực. 

“Nhưng quan trọng nhất là người dân phải đồng thuận đi tiêm nhắc lại, cho con em tiêm chủng để không tồn vắc-xin để phải hủy vắc-xin”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nêu.

Tin liên quan
Tin khác