Bộ Y tế quy định giá giường bệnh dịch vụ
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, nếu cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tương ứng...
Về việc xác định số ngày giường điều trị nội trú, số ngày được tính theo công thức (ngày ra viện - ngày vào viện) + 1 cho các trường hợp đặc biệt như tử vong, gia đình xin về, hoặc chuyển viện.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, đối với các trường hợp còn lại, cách tính là ngày ra viện - ngày vào viện. Trường hợp điều trị từ 4 đến 24 giờ được tính là 1 ngày điều trị. Tuy nhiên, các trường hợp như điều trị dưới 4 giờ hoặc nằm tại khoa cấp cứu nhưng không qua khoa khám bệnh sẽ không được tính ngày giường bệnh.
Trường hợp chuyển viện nhiều khoa trong cùng một ngày chỉ tính 1/2 hoặc trung bình cộng giá ngày giường ở các khoa liên quan.
Về giá dịch vụ ngày giường bệnh ngoại khoa, bỏng, mức giá tối đa không quá 10 ngày sau phẫu thuật, kể cả khi chuyển cơ sở điều trị. Từ ngày thứ 11 trở đi, áp dụng mức giá ngày giường nội khoa của khoa tương ứng.
Liên quan đến giá dịch vụ ngày giường bệnh nằm ghép, đối với hai người một giường chỉ thanh toán 1/2 giá ngày giường. Trong trường hợp có ba người trở lên cùng nằm một giường, thanh toán chỉ 1/3 giá ngày giường.
Trường hợp người bệnh nằm băng ca, giường gấp được thanh toán bằng 50% giá ngày giường. Nếu người bệnh phải điều trị bệnh lý khác trước khi phẫu thuật, sẽ áp dụng giá ngày giường nội khoa của chuyên khoa điều trị tương ứng.
TP.HCM kiểm soát dịch sởi
Tính đến tuần 46, TP.HCM đã ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2023 (16.636 ca) và là tỉnh, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất khu vực phía Nam, chiếm 25,0% tổng số ca mắc của khu vực.
Mặc dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên từ tuần 37 đến nay số ca mắc của thành phố có xu hướng tăng liên tục hàng tuần và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.
Nếu tính cả khu vực phía Nam, thì số ca mắc bệnh năm nay đều thấp hơn năm ngoái. Theo số liệu giám sát của Viện Pasteur TP.HCM thì số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 45/2024 của Khu vực phía Nam là 44.980, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Qua giám sát các điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã ghi nhận các điểm nguy cơ có lăng quăng.
Nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi và gắn liền với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, hiện diện ở mọi nơi từ nội thành đến ngoại thành và ở tất cả các quận huyện, phường xã. Vì vậy, nguy cơ ca bệnh sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt.
Gần đây, vắc-xin sốt xuất huyết đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Tạo miễn dịch chủ động bằng vắc xin là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng.
Tiêm chủng vắc-xin sốt xuất huyết là một phần trong giải pháp tổng thể phòng chống sốt xuất huyết. Các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, phòng ngừa muỗi đốt cần được duy trì thường xuyên ngay cả khi đã tiêm chủng vắc xin.
Việc kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các cơ quan đơn vị và từ mỗi gia đình.
Để tăng cường phòng chống sốt xuất huyết trong những tháng cuối năm, Sở Y tế đề nghị các Trung tâm Y tế quận huyện, Trạm Y tế phường xã thực hiện điều tra, xứ lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết triệt để trên địa bàn.
Các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để đưa ra hướng xử lý kịp thời và hiệu quả không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Bên cạnh đó, việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn cũng cần được đồng thời thực hiện.
Sở Y tế cũng đề nghị các UBND quận huyện, phường xã tiếp tục triển khai quyết liệt các hoạt động như: duy trì hoạt động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết; đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch và xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống dịch bệnh.
Ngành Giáo dục cần tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học, đặc biệt không để phát sinh vật chứa nước phát sinh lăng quăng, muỗi; đồng thời thực hiện các biện pháp giám sát bệnh trong trường học cũng như kỹ năng truyền thông cho phụ huynh.
Đối với các Sở, ban ngành, Sở Y tế lưu ý cần phải chủ động triển khai hoạt động phòng chống sốt xuất huyết trong cơ quan, đơn vị và trong phạm vi mình quản lý. Nguy cơ sốt xuất huyết xuất hiện rải rác khắp nơi, chỉ cần một vật đọng nước vài ngày cũng sẽ thành nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.
Vì vậy, trong mỗi hoạt động của mỗi ban ngành cần có đánh giá tác động đến môi trường xung quanh, đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh để từ đó có biện pháp giải quyết căn cơ.
Các đoàn thể cần tùy đối tượng đoàn viên, hội viên để lựa chọn nội dung phòng chống dịch phù hợp và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt đoàn thể nhằm thay đổi hành vi của đoàn viên, hội viên cũng như tham gia các chiến dịch vận động cộng đồng do chính quyền địa phương phát động.
Và điều quan trọng đó là mỗi cá nhân, gia đình cần chủ động tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh lăng quăng. Khi trong gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.
Hà Nội ngăn dịch sởi bùng phát
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, toàn TP ghi nhận ghi nhận 28 trường hợp mắc sởi. Trong đó, 26 trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng sởi, 2 trường hợp đã tiêm vắc-xin phòng sởi.
Số ca mắc tăng 3 trường hợp so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, toàn TP ghi nhận 115 trường hợp mắc sởi tại 25 quận, huyện nhưng không có tử vong.
CDC Hà Nội nhận định, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Trong tuần này, CDC Hà Nội xử lý ổ dịch sởi tại Hoàng Liệt (Hoàng Mai); Ngọc Hồi (Thanh Trì).
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vắc-xin phòng bẹnh sởi của trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung.
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trẻ 7 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP chưa tiêm đủ 5 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trước đó để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm chủng vắc-xin Td theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Song song với đó, các đơn vị, địa phương tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết và các dịch bệnh thường gặp trong mùa Đông Xuân...; tuyên truyền việc triển khai tiêm chủng vắc-xin uốn ván, bạch hầu.
Đối với các bệnh có vắc-xin, ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn.