Tài chính - Chứng khoán
“Chuyển ngành” cho nhiều công ty niêm yết
Chí Tín - 06/12/2015 14:31
Đầu năm 2016, khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào áp dụng chuẩn phân ngành toàn cầu (Global Industry Classification Standard - GICS), nhiều doanh nghiệp sẽ được xác định lại lĩnh vực chuẩn xác với thực tế hoạt động, nhằm xây dựng các bộ chỉ số ngành sát với nhu cầu của công chúng đầu tư.

Tháng 11/2015, HOSE đã hoàn tất ký kết hợp đồng với MSCI (tổ chức cung cấp các công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư quốc tế) cung cấp chuẩn phân ngành GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Theo đó, HOSE cung cấp miễn phí thông tin phân ngành doanh nghiệp đến cấp 2 - nhóm ngành cho toàn thị trường. Cùng với việc áp dụng chuẩn phân ngành GICS, HOSE dự kiến triển khai các chỉ số ngành thuộc phân ngành cấp 1 của GICS và ra mắt thị trường vào quý I/2016.

Trước khi đưa vào vận hành chuẩn phân ngành GICS, HOSE đã áp dụng chuẩn VSIC 2007 phân ngành cho các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô thị trường đang tăng mạnh và nhu cầu đầu tư ngày càng khắt khe hơn, VSIC 2007 hiện chỉ còn phù hợp với công tác thống kê kinh tế, chứ không phù hợp với phân ngành cho thị trường chứng khoán.

Áp dụng chuẩn phân ngành mới, Dược Hậu Giang sẽ thuộc ngành chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Đ.T

Với việc áp dụng chuẩn phân ngành mới, nhiều doanh nghiệp sẽ được xác định lại lĩnh vực hoạt động theo hướng phù hợp hơn với thực tế của các công ty này. Những công ty được xác định lại lĩnh vực hoạt động theo hướng phù hợp hơn là Tập đoàn Masan (MSN) đổi từ ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm sang ngành hàng thiết yếu, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) chuyển từ ngành công nghiệp chế biến - chế tạo sang ngành chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác cũng được xác định lại ngành nghề như Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật hạ tầng TP.HCM (CII) sẽ đổi từ ngành xây dựng sang công nghiệp, Ngân hàng TMCP Công thương (CTG) từ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm sang tài chính, Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) từ ngành công nghiệp chế biến - chế tạo sang hàng tiêu dùng không thiết yếu, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) chuyển từ ngành khai khoáng sang năng lượng…

Theo ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc HOSE, nhu cầu tham chiếu của thị trường theo từng lĩnh vực, ngành đang ngày càng cấp thiết. Dựa vào các chỉ số ngành, nhà đầu tư có thể có cái nhìn tổng quan hơn về xu hướng của một nhóm doanh nghiệp cùng ngành nghề, thay vì chỉ nhìn cận cảnh từng doanh nghiệp. Qua đó, nhà đầu tư có thể nhận biết được biến động dòng tiền và tiềm năng tăng trưởng của các nhóm ngành nói chung và của từng cổ phiếu trong ngành nói riêng để từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Ngoài ra, việc xây dựng các chỉ số ngành còn giúp HOSE xây dựng hệ thống dữ liệu chuyên biệt theo từng nhóm ngành, hỗ trợ việc quản lý, theo dõi, giám sát các công ty niêm yết theo từng ngành. Rổ chỉ số ngành của HOSE được chọn lọc từ danh mục thành phần của chỉ số VNAllshare, do đó đảm bảo được những tiêu chuẩn sàng lọc tối thiểu về thanh khoản để có thể đầu tư được.

Ở góc độ nhà đầu tư, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) cũng cho biết, việc hệ thống lại các ngành nghề của doanh nghiệp niêm yết theo chuẩn phân ngành GICS có thể giúp nhà đầu tư có cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường.

Bà Hạnh đưa ra ví dụ: trong danh mục công ty quản lý quỹ có 10 ngành, công ty và nhà đầu tư có thể quan sát động thái 10 ngành đó so với tình hình chung của thị trường. “Công cụ sẽ giúp nhà đầu tư giám sát xem công ty quản lý quỹ đầu tư có hiệu quả hay không”, bà Hạnh nói và cho biết, chỉ số ngành cũng sẽ hỗ trợ tốt các công cụ đi kèm các sản phẩm đầu tư chỉ số ETF.

Tin liên quan
Tin khác