Ngân hàng
Chuyển nhượng 1% cổ phần ngân hàng phải có văn bản chấp thuận của NHNN
T.L - 22/08/2017 10:57
Theo dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng, các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

Sáng nay (22/8), Ủy ban Kinh tế Quốc hội và NHNN phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Một trong các nội dung được các đại biểu quốc hội và chuyên gia kinh tế đưa ra ý kiến thảo luật là về loạt quy định mới để xử lý tình trạng sở hữu chéo, vừa mới được bổ sung. Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định, các trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.

Nguồn tiền mua cổ phần ngân hàng phải được chứng minh rõ ràng và không có nguồn gốc từ vốn vay. Các TCTD không được cho khách hàng vay vốn để mua cổ phần ngân hàng khác. Các cá nhân từng có sai phạm không còn được tham gia các vị trí quản trị, điều hành ngân hàng.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, cổ đông lớn và người liên quan không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Liên quan đến các nội dung trên, đại diện UBCK Nhà nước cho rằng, quy định chuyển nhượng 1% cổ phần phải có văn bản chấp thuận của NHNN cần phải làm rõ, đặc biệt là với các ngân hàng đã niêm yết trên thị trường bởi các giao dịch chủ yếu là khớp lệnh thỏa thuận, không biết ai mua, ai bán và ai đang nắm giữ bao nhiêu cổ phần. Hơn nữa, nếu quy định “cứng” 1%, có thể các cá nhân vẫn sẽ tìm cách lách luật (ví dụ mua 0,9% cổ phần mỗi lần), vì vậy ngoài quy định 1%, có thể đưa ra thêm quy định về cộng dồn.

Chuyên gia đến từ ADB cũng chia sẻ, rất thấu hiểu nỗi lo lẵng của NHNN về tình trạng cổ đông lớn sở hữu chi phối, song nếu chuyển nhượng 1% cũng phải có xác nhận bằng văn bản sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN, thời gian qua, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đạt được một số thành tựu, song vẫn còn nhiều bất cập. Trong giai đoạn vừa qua, NHNN đã phải đặt một số tổ chức tín dụng (TCTD) vào diện kiểm soát đặc biệt và phải mua bắt buộc một số ngân hàng yếu kém để đảm bảo an toàn hệ thống.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, một phần do năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD quá yếu kém, một phần do tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa được xử lý triệt để. Những bất cập, thiếu hụt về mặt pháp lý liên quan đến xử lý, cơ cấu lại TCTD yếu kém không được giải quyết sẽ khiến Chính phủ, NHNN không có đầy đủ thẩm quyền theo luật định để xử lý các TCTD yếu kém, làm gia tăng chi phí xử lý, không đủ cơ sở để áp dụng các biện pháp phục hồi phù hợp với các TCTD này.

Các quy định hiện hành cũng chưa có chế tài và biện pháp xử lý trong trường hợp vấp phải sự chống đối, bất hợp tác của các cổ đông lớn với cơ quan quản lý trong quá trình cơ cấu lại TCTD, không khuyến khích được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém, khiến quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém bị kéo dài.

Hội thảo lấy ý kiến
Tin liên quan
Tin khác