Từ việc ngủ quên trên chiến thắng
Theo bảng xếp hạng công bố mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Phúc Sinh đã rời khỏi top 5 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam. Thực tế ngôi vị vua tiêu vài năm trở lại đây gần như đã rơi vào tay của các ông lớn nước ngoài là Olam và Nedspice.
Vua tiêu Phan Minh Thông coi sự tụt hạng là cơ hội để nhìn nhận và tái cấu trúc đầu tư để phát triển mạnh mẽ hơn. |
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group cho rằng, đây cũng là hệ quả tất yếu bởi tiềm lực tài chính, vốn liếng của các doanh nghiệp này là rất lớn.
“Đây thực sự là cuộc cạnh tranh, ai đầu tư mạnh mẽ về máy móc, sản xuất chế biến thì về lâu dài sẽ xuất khẩu nhiều. Thời gian qua, Phúc Sinh cũng chưa đầu tư thêm nhiều nhà máy chế biến sâu nên là lý do khiến chúng tôi hụt lại phía sau để công ty ngoại vươn lên đứng đầu”, ông Thông lý giải.
Ông Thông cho biết trước bối cảnh nhiều biến động như hiện nay doanh nghiệp lựa chọn thận trọng làm nguyên tắc hàng đầu. Vì với kinh nghiệm mua bán hàng chục năm qua, hiện rủi ro về đơn hàng Việt Nam đi một số nước như Trung Đông, châu Phi đang có nguy cơ về lừa đảo. Đồng thời các tranh chấp xảy ra tại Biển Đỏ cũng như chiến sự thế giới càng buộc Phúc Sinh thận trọng và không nhận những đơn hàng ở xa, có nguy cơ cao. Vì vậy, số lượng đơn hàng xuất khẩu của chúng tôi sụt giảm là tất yếu.
“Làm kinh doanh, điều đầu tiên Phúc Sinh nghĩ tới là phát triển bền vững. Năm 2008, khi đó chỉ mới xuất khẩu tiêu, chúng tôi đã bắt tay xây nhà máy tiệt trùng. Ở thời điểm đó, tiêu tiệt trùng mới có ở châu Âu, dùng trong xúc xích, thịt nguội, salami…”, CEO Phúc Sinh kể lại.
Ông Thông kể thêm, cũng năm 2009, khi sang Hà Lan gặp đối tác, họ nói 90% sản phẩm tiêu tiệt trùng của tôi được cung ứng cho một nhà phân phối sở hữu thị phần rất lớn ở châu Âu. Nhà phân phối này yêu cầu phải có chứng nhận RA (Rainforest Alliance), tức là Tiêu chuẩn Nông nghiệp bền vững.
Sau 5 năm kiên trì sửa lỗi, khắc phục vướng mắc với nhiều lần bay mất hàng tỷ đồng vốn liếng, đến năm 2014 thì thành công. Phúc Sinh trở thành doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận RA.
“Cần phải nhìn nhận hơn 10 năm đứng trên đỉnh vinh quang là một hiện tượng đối với công ty tư nhân có số vốn ít ỏi cũng như quy mô nhỏ như Phúc Sinh. Tuy nhiên cũng vì vậy mà tôi đã ngủ quên trên chiến thắng quá lâu. Mà cuộc đua xuất khẩu cạnh tranh rất khốc liệt, doanh nghiệp có vốn mạnh đầu tư nhà máy chế biến sâu, đạt chuẩn sẽ vươn lên”, ông Thông nói.
Từ những năm 2021-2022, nhận ra bài học này chúng tôi đã bắt đầu quay trở lại đầu tư và thực sự bước vào cuộc đua giành lại ngôi đầu. Cụ thể, động thái ngay trong năm 2023 Phúc Sinh đã xây dựng hoàn thiện một nhà máy chế biến với các thiết bị nhập khẩu từ Pháp chủ yếu phục vụ cho công tác chế biến sâu là khâu nghiền không những hạt tiêu mà tất cả các loại gia vị khác", ông Thông chia sẻ.
Mở thêm cánh cửa cơ hội ngay sân nhà
Mải mê chinh chiến tại khắp các thị trường từ lớn đến nhỏ của thế giới, doanh nhân Phan Minh Thông nhận ra đã “bỏ quên” một thị trường hết sức tiềm năng là nội địa. Điều đó thể hiện cụ thể qua động thái vài năm trở lại đây, Phúc Sinh liên tục đầu tư mở rộng vùng trồng cũng như mang thương hiệu K Coffee mà mình ấp ủ đến khắp nơi trên cả nước.
Chuỗi cửa hàng K Coffee liên tục có mặt tại nhiều vị trí đắc địa trung tâm TP.HCM đánh dấu quyết tâm chinh phục thị trường nội địa của Phúc Sinh Group. |
Minh chứng là 6 chuỗi cửa hàng thương hiệu K Coffee với không gian rộng và vị trí đắc địa ở các quận trung tâm TP.HCM đã liên tục ra đời. Đại diện Phúc Sinh cũng cho biết trong quá trình xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng này, tích lũy đủ tiềm lực để hạ một nước cờ lớn hơn đó là tham vọng của là mở rộng 300 quán K Coffee tại Việt Nam trong năm 2024. Hơn nữa, có nhiều đối tác đã liên hệ với K Coffee để thảo luận về vấn đề nhượng quyền và mở rộng thương hiệu tại thị trường nước ngoài.
Quả thực, tầm nhìn của ông vua nông sản Việt rất đáng nể khi ngày trước đầu tư vào tiêu thì cũng giai đoạn “vàng đen” của Việt Nam ở thời kỳ đỉnh cao về giá. Và đến nay khi ông quyết định đầu tư vào cà phê mạnh hơn thì mặt hàng này cũng liên tục tăng giá chóng mặt, xô đổ nhiều kỷ lục.
Nhưng đáng nói hơn là vị CEO sinh năm 1975 không chạy theo sự tăng trưởng nhất thời của thị trường mà ông đã chọn cho mình cách phát triển bền vững.
Việc Phúc Sinh cho ra mắt trà Cascara túi lọc được làm từ vỏ cà phê arabica với giá bán lên đến 1,5 triệu đồng/kg với 90% sản lượng cung ứng xuất khẩu nhưng cũng liên tục quảng bá rầm rộ tại nội địa nhắm nâng cao nhận thức dùng sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe người dùng là dẫn chứng cụ thể.
Đáng nói, CEO Phúc Sinh đã quyết định bỏ hơn 100 tỷ đồng đầu tư hẳn nhà máy chế biến sản xuất cà phê tại Sơn La bởi đây được coi là vùng trồng Arabica lớn thứ 2 cả nước. Với sức sống tốt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn khi vào mùa, nên cà phê Arabica nơi đây có vị ngon đặc biệt. Sau khi rang xay, hạt cà phê toát ra mùi nồng của gỗ lâu năm và mùi chua thanh của trái cây rừng rất đặc trưng sau khi ủ nước nóng.
Chính vì những đặc điểm nội trội này ông Thông đã liên kết với nhiều hộ dân tại đây để hỗ trợ các hộ sản xuất, nông dân để cùng với người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu của chuẩn UTZ.
Đội ngũ nhân viên kỹ thuật của công ty đến từng nông hộ để giúp nông dân hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp: Vi sinh, kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM), cách thức thu hái, phơi phóng an toàn, cách đóng gói nguyên liệu, vận chuyển đến kho…
"Đây cũng là những mặt hàng mở ra cho chúng tôi những chân trời mới về chế biến sâu cũng như làm các sản phẩm chuyên nghiệp đặc biệt. Các sản phẩm này hỗ trợ rất nhiều hoạt động kinh doanh sản xuất của chúng tôi và cũng là hướng đi riêng biệt, tiên phong mà Phúc Sinh lựa chọn", ông Thông nói.
“Đường về” của Phúc Sinh thực sự không dễ, bởi dù các sản phẩm của Phúc Sinh Group đã được xuất khẩu đi hơn 120 nước trên thế giới như Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Trung Đông, Úc, châu Á…với sản lượng và giá trị luôn ở top đầu. Nhưng “ông vua xuất khẩu nông sản” cũng chỉ rõ, với Phúc Sinh, dù có khá nhiều kinh nghiệm về làm sản phẩm chế biến sâu tuy nhiên không phải sản phẩm nào ra mắt cũng bán được ngay lập tức.
“Phúc Sinh cũng gặp nhiều thách thức khi đầu tư vào nhiều sản phẩm đa dạng và khác biệt thì sẽ phải tốn rất nhiều tiền và cũng không hề dễ dàng trong phân phối sản phẩm giá trị cao nhất là ở thị trường nội địa”, ông Thông nói.
Đồng thời, ông Thông chia sẻ, mở rộng thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tự chủ trong sản xuất, tăng thời hạn bảo quản của sản phẩm nông sản, tránh được tình trạng bị ép giá, rớt giá.