Y tế - Sức khỏe
Chuyện về những F0 đặc biệt tại tâm dịch
Dương Ngân - 21/09/2021 10:37
Run sợ, lo lắng khi biết bản thân mắc bệnh. Hồi hộp, ngóng chờ ngày được ra viện. Sau cùng, vượt qua tất cả âu lo, họ quyết định ở lại để chăm sóc các F0 khác.
Ảnh minh họa.Anh Trương Văn Hiền dù là F0 vẫn chăm sóc bệnh nhân

Cán bộ y tế thành F0

Khi người bệnh nằm giữa gianh giới sinh tử bởi Covid-19, các y, bác sỹ và điều dưỡng đã gác lại tất cả niềm riêng để làm việc thâu đêm, suốt sáng giành giật tính mạng bệnh nhân. Và khi không may trở thành F0, họ vẫn giữ nguyên tâm thế của một chiến sỹ áo trắng là nỗ lực hết sức giúp những người cùng cảnh ngộ.

Sau chuỗi ngày chăm lo điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hồi sức người bệnh Covid-19 TP.HCM, cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền không may trở thành F0.

Khi biết bản thân thành F0, thay vì lo lắng, anh nghĩ nếu mình cũng nằm trên giường điều trị thì các đồng nghiệp sẽ thêm phần vất vả.

Từ suy nghĩ ấy, cộng với tâm lý tự tin mình đủ sức khỏe vượt qua dịch bệnh, nên anh Hiền đề xuất với cấp trên cho phép được hàng ngày hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tập vận động, giúp hồi sinh những lá phổi có nguy cơ đông đặc.

Nếu trước kia khi chưa mắc bệnh, dù có cố gắng thế nào anh Hiền cũng khó mà cảm nhận chính xác những gì bệnh nhân đang trải qua để biết điều họ cần. Đến khi trở thành F0, bản thân anh đã hiểu hơn F0 cần gì ở y, bác sỹ, đồng thời thông cảm, chia sẻ với họ. “Ngoài việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, tập thở, tập vật lý trị liệu, chỉ một vài lời động viên của nhân viên y tế cùng thái độ ân cần hỏi han, vui vẻ của nhân viên y tế cũng giúp F0 an tâm hơn rất nhiều”, anh Hiền nói.

Tình nguyện vào Bình Dương chống dịch, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm sau 1 tháng làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Becamex Thuận An trở thành F0.

Dù lo lắng, nhưng vượt qua tất cả, chị không ngồi yên để được chăm sóc, mà tình nguyện xin ở lại trong khu điều trị bệnh nhân nặng, hỗ trợ đồng nghiệp.

Ở nơi có nhiều bệnh nhân nặng, công việc chăm sóc của điều dưỡng rất vất vả, chỉ cần sơ suất nhỏ trong vận hành máy thở, theo dõi nồng độ bão hòa ô-xy trong máu là có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Với điều dưỡng có sức khỏe bình thường, công việc đã vô cùng áp lực, chưa nói tới một người mắc bệnh, nhưng chị vẫn quyết tâm vượt qua.

Những tình nguyện viên đặc biệt

Tại Bệnh viện dã chiến số 3, (TP.Thủ Đức) hiện có một tổ tình nguyện viên đặc biệt. Họ là những F0 trẻ tuổi vừa được điều trị khỏi bệnh, nhưng cảm phục sự hy sinh của nhân viên y tế, thấu hiểu những khó khăn mà các bệnh nhân đang đối mặt, nên đã tình nguyện ở lại giúp Bệnh viện chăm sóc bệnh nhân.

Ở khắp các khu vực của bệnh viện, từ khu cấp cứu tới điều trị, các tình nguyện viên này đều có mặt trợ giúp nhân viên y tế và bệnh nhân. Họ giúp xoa bóp các F0 khác đang chuyển biến nặng, giúp bệnh nhân trong các bữa ăn, hỗ trợ bệnh nhân uống thuốc, tập vật lý trị liệu, thay tã, ga giường, vệ sinh thân thể, theo dõi chỉ số SPO2.

Bước vào tuổi 21, đang là sinh viên một trường đại học lớn ở TP.HCM, thì Trần Minh Khôi (sinh năm 2000) bủn rủn chân tay khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Những ngày tháng là F0, mắt Khôi hoa đi vì quá căng thẳng mỗi lần nhìn thấy bệnh nhân chuyển nặng ngày càng nhiều hơn. Thậm chí chứng kiến người bên cạnh ra đi vĩnh viễn vì quá nặng, Khôi không khỏi lo sợ cho bản thân.

Thế rồi được sự chăm sóc tận tâm bởi các y, bác sỹ, cộng sức trẻ, khiến Khôi và nhiều F0 khác dần phục hồi. Ngày nhận được thông báo khỏi bệnh, nghĩ tới cảm giác được về nhà, Khôi vui như được hồi sinh. Tuy vậy, Khôi không ngại ngần quyết định ở lại chăm sóc các bệnh nhân nặng khác.

Thường xuyên có mặt tại khu vực cấp cứu của Bệnh viện, chàng thanh niên Trần Minh Khôi thoăn thoắt làm việc dưới sự hướng dẫn của các nhân viên y tế. Từng bình ô-xy được anh di chuyển ngăn nắp đến các vị trí giường bệnh.

Theo lời chàng trai trẻ, Covid-19 đáng sợ là bởi nó không cho phép người bệnh có người thân bên cạnh, buộc phải cách ly một mình. Giữ tinh thần lạc quan là điều rất quan trọng để khỏi bệnh nhanh chóng, từ suy nghĩ ấy nên trong quá trình chăm sóc các F0, Khôi thường xuyên động viên giúp họ tự tin vượt qua bạo bệnh.

Cũng tại Bệnh viện dã chiến số 3, giữa tiếng máy thở, tiếng lạch cạch vận chuyển bình ô-xy, Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1988, ngụ quận Bình Tân) tận tình giúp đỡ người bệnh. Anh được các bệnh nhân rất yêu quý bởi lòng nhiệt huyết. Quang tạo niềm tin cho các bệnh nhân bằng cách lấy mình làm minh chứng. “Cuộc sống tươi đẹp, rộn rã ngoài kia đang chờ, hãy vui lên để nhanh khỏe”, Quang nói.

Dẫu biết hành trình vượt qua cơn bạo bệnh của các bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ chẳng ai giống ai vì mỗi người có một sức khỏe và thể trạng khác nhau, nhưng vượt lên trên nỗi đau của bệnh tật là sự sẻ chia, là tình yêu thương của những người cùng chung hoạn nạn.

Tin liên quan
Tin khác