Từ sự việc trên, có thêm một số người bệnh lên tiếng về việc họ phải “bôi trơn” cho các nhân viên y tế từ việc rất nhỏ như kê đơn, tiêm thuốc, tái khám đến việc thực hiện các kỹ thuật khác như xạ trị, phẫu thuật.
Số tiền có thể ở mức vài chục, vài trăm nghìn, mức 200.000 đồng như tố cáo, nhưng cũng có những người cho rằng phải mất nhiều hơn, như 500.000 đồng đến một triệu hay vài triệu đồng.
Có ý kiến còn cho rằng, để người nhà được điều trị hay phẫu thuật sớm, họ phải chi tới cả chục triệu đồng.
Tình trạng nêu trên, nếu có, là không thể chấp nhận, nhất là khi nó diễn ra trong bệnh viện - nơi các y bác sĩ làm công việc cứu người. Nếu có, nó càng khó chấp nhận hơn khi bệnh nhân ung thư vốn được coi như đã rơi vào cảnh khốn cùng khi phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo.
Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện K bị tố cáo về hành động nhận phong bì từ người bệnh, người nhà bệnh nhân của các cán bộ y tế. Trước đó, năm 2016, dư luận cũng đã bàn luận về một sự việc tương tự.
Câu chuyện phong bì "bôi trơn" trong ngành Y không mới, vẫn luôn tồn tại, âm ỉ trong ngành này.
Khi trao đổi với phóng viên về phong bì trong ngành Y, một bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nói rằng, khi bệnh nhân đưa phong bì, ông dùng 5 lý lẽ để từ chối.
Đầu tiên phải hỏi rõ ràng bệnh nhân tại sao lại đưa phong bì cho bác sỹ, việc bác sỹ chữa bệnh cho người bệnh không phải là mua bán trao đổi hàng hóa. Bác sỹ chính là người cứu mạng bệnh nhân, và mạng sống thể là một món hàng, không thể trả giá bằng tiền.
Lý lẽ thứ hai mà vị bác sỹ này phân tích với bệnh nhân là khi bệnh nhân đưa phong bì, nếu bác sỹ nhận thì bác sỹ cũng không khác gì cầu thủ bán độ trong bóng đá. Đá bóng vì tiền thì lương tâm và tài năng sẽ bị chi phối, hiệu quả không cao. Bác sỹ khám chữa bệnh vì tiền thì ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.
Nếu sau khi đưa ra hai lý do trên mà người bệnh vẫn đưa phong bì thì bác sỹ phải áp dụng cách thứ ba, đó là khẳng định hiện nay bác sỹ công tác, làm việc được Nhà nước trả lương, bác sỹ có thể sống được bằng lương, đủ nuôi bản thân và gia đình.
Chưa kể, nếu nhận phong bì của bệnh nhân, bị phát hiện, bác sỹ sẽ mất tất cả công danh, sự nghiệp, uy tín.
Lập luận cuối cùng mà bác sỹ này đưa ra là cam kết với bệnh nhân rằng, việc đưa hay không đưa phong bì không ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh cũng như sự quan tâm chăm sóc của bác sỹ.
Mặc dù đã phải vận dụng hết kỹ năng giao tiếp vào việc từ chối khéo để cho bệnh nhân yên tâm, song vị bác sỹ này thừa nhận vẫn có những bệnh nhân đưa phong bì rất "nghệ thuật" khiến bác sỹ khó từ chối nên đành phải nhận lúc đầu để bệnh nhân yên tâm sau đó tìm cách trả lại.
Về việc nhận phong bì, một giáo sư đầu ngành tim mạch cũng từng chia sẻ với phóng viên, cách đây khoảng 5 năm, có người nhà bệnh nhân đang phải bóp bóng, hấp hối nhưng vẫn đến đưa ông một chiếc phong bì nói rằng cảm ơn các bác sỹ.
Trong hoàn cảnh đó, vị giáo sư không từ chối thẳng thừng mà nhận rồi lại "gửi bác về mua quà cho cháu", cũng là để họ không cảm thấy tủi thân vì trông dáng vẻ của họ quá nghèo khổ.
"Để có được số tiền ấy, chắc hẳn họ phải bán đi vài tạ thóc nên mình không thể cầm của họ nhưng cũng không thể từ chối phắt đi vì sẽ làm họ tổn thương, lo lắng", ông chia sẻ.
Với góc nhìn khác, nữ bác sỹ đang công tác tại một bệnh viện chuyên về sản khoa ở Hà Nội nói rằng, bản thân họ không hề đòi hỏi, nhưng người bệnh cứ "rỉ tai nhau", tự đi theo hướng dẫn của người khác, vô tình đã làm hư hỏng một bộ phận y bác sỹ.
Thậm chí có những bác sỹ trực tiếp phẫu thuật không hề nhận phong bì, nhưng người nhà bệnh nhân cứ dấm dúi vào tay các điều dưỡng hoặc một người nào đó nhờ "chuyển tới bác sỹ mổ".
Về câu chuyện phong bì trong ngành Y, nhiều ý kiến cho rằng, cần phân biệt giữa việc nhận phong bì trước vào sau khi điều trị. Bệnh nhân đau đớn như vậy mà bác sỹ nhận tiền trước khi điều trị là có vấn đề. Tuy nhiên, sau khi chữa khỏi cho bệnh nhân, họ đưa phong bì cảm ơn bác sỹ lại là một vấn đề khác.
Liệu có thể chấp nhận việc đưa phong bì sau điều trị như là hành động tỏ lòng biết ơn của người bệnh với y, bác sỹ vì công sức lao động bác sỹ làm việc căng thẳng, thâu đêm suốt sáng để cứu chữa bệnh nhân?
Theo nhiều bác sỹ có tâm, nếu người bệnh thật sự biết ơn bác sỹ, họ sẽ tìm được món quà mang giá trị tinh thần phù hợp. Khi ấy, được nhận những món quà nhỏ nhưng giá trị lớn, thể hiện lòng biết ơn trân trọng của người bệnh là điều vô cùng quý giá với mỗi người công tác trong ngành Y. Nhưng trên hết, đó phải là món quà đến từ tâm của người bệnh chứ không phải là tự sự gợi ý, đòi hỏi hay ép buộc.
Sự việc tại Bệnh viện K còn đang được cơ quan chức năng xem xét, làm rõ, song câu chuyện về những chiếc phong bì trong ngành Y vẫn là câu chuyện dài. Hiểu đó là bày tỏ lòng biết ơn một cách chính đáng hay là tâm lý mong muốn dùng đồng tiền để "mua" sự đảm bảm, mua lấy sự an toàn, nhiệt tình, trách nhiệm của y bác sỹ với người bệnh, đó vẫn là câu hỏi khó mà chỉ có chính mỗi y bác sỹ, mỗi cán bộ ngành y với thực tiễn làm việc của mình mới có thể trả lời chính xác nhất.