Doanh nghiệp
Cienco1 xin thoái 18% vốn góp tại Dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ
Anh Minh - 30/07/2022 15:10
Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) là một trong 3 nhà đầu tư tham gia góp vốn tại Dự án BOT đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là công trình BOT có doanh thu tài chính tốt nhất Việt Nam hiện nay.

Theo thông tin của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, ông Đinh Ngọc Đàn, Tổng giám đốc Cienco1 vừa ký văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải liên quan đến Dự án BOT đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội.

Cụ thể, CEO Cienco1 đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận chủ trương cho Cienco1 được thoái vốn tại Dự án BOT đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội.

“Nếu được chấp thuận, Cienco1 xin cam kết phối hợp với các thành viên trong liên danh nhà đầu tư thực hiện đúng các thủ tục pháp luật cũng như hướng dẫn của Bộ Giao thông - Vận tải”, ông Đàn cam kết.

Lý do được Cienco1 đưa ra cho việc thoái vốn tại Dự án BOT đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội – một trong những dự án BOT tốt nhất tại Việt Nam hiện nay là do doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về tài chính.

Hiện Cienco1 đã góp khoảng 148 tỷ đồng, chiếm 18% vốn chủ sở hữu tại Dự án BOT đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội, tương ứng với 18% vốn điều lệ Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (doanh nghiệp dự án).

Ngoài Dự án BOT đầu tư, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội, HĐQT Cienco1 còn lên kế hoạch thoái vốn tại 5 dự án BOT giao thông khác cùng với lý do là gặp khó khăn về tài chính.

Điều đáng nói là cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đang trong quá trình điều tra công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại Cienco1.

Cienco 1 được IPO vào ngày 21/3/2014 với khối lượng chào bán là 16.183.500 cổ phần và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần. Toàn bộ số cổ phần nêu trên đã được bán hết, thu về hơn 161 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2014, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục thoái toàn bộ 35% vốn nhà nước. Đến thời điểm giữa năm 2015, cổ đông lớn nhất của Cienco1 là Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại -  Dịch vụ Yên Khánh (nắm 35,58%), trong khi các cán bộ, người lao động trong Cienco1 chỉ chiếm chưa đầy 6%.

Cũng từ thời điểm này, các giao dịch mua bán cổ phiếu Cienco1 liên tục diễn ra, với nhiều cái tên mới thay nhau xuất hiện. 

Sau quá trình mua bán cổ phần kéo dài gần ba năm, cơ cấu cổ đông của Cienco1 cho tới nay đã ổn định với CTCP Tập đoàn Yên Khánh (đổi tên từ Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yên Khánh, nắm 28,6%), CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An (19,2%), CTCP Đầu tư Cái Mép (16,9%) và CTCP An Hiền (24,6%).

Một số cổ đông nhỏ tại Cienco 1 cho rằng, sau khi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, kết quả sản xuất, kinh doanh của Cienco1 giảm sút, phần do các cổ đông lớn không đầu tư, hỗ trợ Tổng công ty như cam kết do năng lực tài chính có hạn.

Tin liên quan
Tin khác