Doanh thu thuần quý I/2020 của CII chỉ đạt 472 tỷ đồng, giảm 17,6% so với quý I/2019. |
Doanh thu BOT sẽ tăng đều
Mới đây, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII, mã CII, sàn HoSE) đã chia sẻ một số thông tin về Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội. Được coi là một trong những dự án quan trọng bậc nhất trong các dự án BOT của CII, dự án này hiện có quy mô và doanh thu thu phí đứng thứ 2 trong danh mục các dự án BOT của Công ty (sau Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận).
Khi Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội đi vào vận hành thu phí từ năm 2020, quy mô doanh thu thu phí của CII sẽ có sự tăng trưởng đột biến. Cụ thể, Công ty ước tổng doanh thu bình quân một năm của Dự án khoảng 900 tỷ đồng (trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2026) và sẽ tăng lên gần gấp đôi (khoảng 1.500 tỷ đồng/năm) trong giai đoạn từ năm 2027 đến 2034.
Dự kiến đến năm 2026, tổng doanh thu thu phí của danh mục dự án BOT tại CII đạt gần 4.000 tỷ đồng, trong đó Dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội đóng góp gần 30%, trong khi Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đóng góp gần 40%.
Bức tranh tương lai sáng sủa là vậy, nhưng hiện tại, CII vẫn đối mặt với doanh thu sụt giảm, khi doanh thu thuần quý I/2020 chỉ đạt 472 tỷ đồng, giảm 17,6% so với quý I/2019. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp tuy tăng trưởng 592,2% (đạt 274,8 tỷ đồng trong quý I/2020), song không phải đến từ hoạt động thường xuyên. Trong văn bản giải trình, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc cho biết, mức tăng trưởng đột biến đó chủ yếu do lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính.
Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020, doanh thu hoạt động tài chính của CII đạt 575 tỷ đồng, tăng tới 327,2% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, riêng lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính là hơn 400 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 không có khoản này.
Gánh nặng chi phí tài chính
Tổng vốn đầu tư của Dự án Xa lộ Hà Nội gần 4.906 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ mà CII có chỉ là 20%, vốn vay lên tới 80%. Công ty đã sử dụng toàn bộ quyền quản lý thu phí giao thông trên Xa lộ Hà Nội, quyền thụ hưởng mọi rủi ro liên quan đến thi công và xây lắp trong thời gian xây dựng Dự án để thế chấp cho khoản vay nợ của mình.
Trong khi đó, cơ cấu lãi vay chung của CII cho thấy gánh nặng chi phí tài chính khá lớn. Vốn chủ sở hữu của Công ty tại ngày 31/3/2020 là 8.912 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 22.268 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tuy giảm phần nào trong quý I/2020, nhưng vay và nợ thuê tài chính dài hạn vẫn tăng mạnh, từ 8.794 tỷ đồng thời điểm ngày 1/1/2020, lên 11.256 tỷ đồng vào thời điểm ngày 31/3/2020.
Trong quý I/2020, khoản thu nhập khủng từ việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính tạo ra con số doanh thu tài chính nhảy vọt, dễ làm lu mờ các con số về chi phí tài chính. Tuy nhiên, nếu để ý về sự biến động của chi phí tài chính, thì đây cũng có thể là lỗ thoát, làm tiêu hao dòng tiền của doanh nghiệp, đặc biệt là các khoản chi phải móc hầu bao đều đặn bất kể doanh thu đầu vào ra sao.
Riêng trong quý I/2020, chi phí lãi vay của CII đã tăng thêm 45,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 228,4 tỷ đồng. Trong cơ cấu các khoản chi phí thông thường như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp…, thì chi phí tài chính chính hiện là khoản chi phí lớn nhất của CII.
Theo đó, trong các kỳ kế toán, nếu không có khoản thu nhập bất thường nào tương tự quý I/2020, thì doanh nghiệp cũng sẽ không thể nhàn hạ trong việc phải đẩy cao doanh thu nhằm bù đắp các khoản chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí tài chính.
Các con số dự báo doanh thu phí BOT được CII đưa ra tuy là những đánh giá nhiều triển vọng, nhưng chỉ là dự báo và thị trường có thể có những yếu tố rủi ro ngoài dự báo. Chẳng hạn, đợt dãn cách xã hội hồi tháng 4/2020 để phòng chống Covid-19 có thể ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu thu phí BOT, nhưng chưa được thể hiện trong báo cáo kết kinh doanh quý I/2020 của CII và nhà đầu tư có lý do để hồi hộp đợi chờ báo cáo tài chính quý II/2020 của doanh nghiệp này.