Sức khỏe doanh nghiệp
CNG Việt Nam khó tránh vỡ kế hoạch kinh doanh
Chí Tín - 18/07/2020 09:39
Giá dầu “ngập ngừng” ở mức thấp do diễn biến phức tạp của Covid-19 là tác nhân chính có thể làm vỡ kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Công ty cổ phần CNG Việt Nam (mã CNG, sàn HoSE).
CNG Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ cho việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2020.

Lợi nhuận hụt hơi

Theo kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần CNG Việt Nam (CNG Việt Nam) đạt sản lượng tiêu thụ 95,74 triệu Sm3 khí CNG (Sm3 là đơn vị tiêu chuẩn để đo lượng CNG sử dụng trong nhà máy) và 7.322,8 tấn LPG. Sản lượng khí CNG tiêu thụ vẫn đạt xấp xỉ cùng kỳ năm 2019.

Doanh thu từ bán khí CNG trong nửa đầu 2020 đạt 958,02 tỷ đồng, cộng thêm phần nhỏ doanh thu từ mặt hàng LPG (76,45 tỷ đồng), tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm của CNG Việt Nam đạt 1.034,47 tỷ đồng, xấp xỉ doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 (1.056 tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ số quan trọng nhất là lợi nhuận của CNG Việt Nam lại bị sụt giảm mạnh, khi chỉ đạt 17,18 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 205,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Những con số trên phác họa bức tranh không thực sự tươi sáng của CNG Việt Nam. Dù chưa công bố chính thức báo cáo tài chính quý II và báo cáo bán niên 2020, nhưng dòng chảy tài chính tại thời điểm cuối quý I/2020 thể hiện, doanh nghiệp này đang trong trạng thái khá “uể oải”.

Nguồn tiền dư dả khá nhiều, nhưng CNG Việt Nam không chuyển hóa thành các tài sản có thể phục vụ kinh doanh. CNG Việt Nam có vốn điều lệ 270 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 529 tỷ đồng, nhưng tiền (và tương đương tiền) vẫn giữ ở mức cao suốt từ giai đoạn đầu năm 2020 (343,3 tỷ đồng) đến hết quý I/2020 (347,3 tỷ đồng).

Trong khi đó, tài sản cố định đã rất cũ kỹ, nhưng không được doanh nghiệp đầu tư mới. Cụ thể, tài sản cố định theo nguyên giá 822,7 tỷ đồng, song đã khấu hao tới 709,4 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn dưới dạng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn chỉ có 2,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, CNG Việt Nam chỉ “móc hầu bao” có hơn 1,1 tỷ đồng để chi trả cho việc đầu tư thêm tài sản cố định trong quý I/2020. Động thái này cho thấy, doanh nghiệp này đang khá bằng lòng với sức sản xuất hiện tại, cùng khối trang thiết bị ngày càng cũ đi.

Thấp thỏm với giá dầu

Kết quả kinh doanh sau 6 tháng cũng cho thấy, CNG Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ cho việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh năm 2020. Kế hoạch năm 2020 đã được CNG Việt Nam đặt ra với doanh thu mục tiêu 3.351 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 100,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 80,1 tỷ đồng. Như vậy, Công ty mới đạt 30,9% kế hoạch doanh thu 2020 và chỉ đạt 17,2% kế hoạch lợi nhuận.

Sự hụt hơi của CNG Việt Nam một phần có thể lý giải do sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới trước ảnh hưởng của Covid-19. Giá dầu thô nửa đầu năm 2020 có thời điểm giảm xuống mức kỷ lục chỉ còn dưới 15 USD/thùng, thấp nhất kể từ đầu năm 1999.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư tại thời điểm giá dầu giảm kỷ lục hồi tháng 4/2020, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết, nguyên nhân là do việc bán tháo các hợp đồng sắp đến hạn. Khi hợp đồng đến hạn, người mua sẽ phải nhận 1.000 thùng dầu cho mỗi hợp đồng đã ký và giao hàng đến Cushing - kho chứa dầu lớn tại Oklahoma (Mỹ). Tuy nhiên, tồn kho tại Cushing tăng nhanh ngoài dự kiến. Do không tìm được người mua lại và cũng không tìm được chỗ chứa dầu thô, những người đã mua dầu theo hợp đồng phải bán tháo bằng mọi giá khi hợp đồng đến hạn.       

Khí CNG được CNG Việt Nam phân phối để cung cấp cho các nhà máy sử dụng nhiệt năng trong sản xuất, chế biến; phục vụ các khu chung cư và được sử dụng làm nhiên liệu thay thế xăng dầu dùng cho phương tiện giao thông. Kinh doanh CNG cũng trồi sụt theo giá dầu, vì xăng dầu và khí đốt CNG là những mặt hàng có thể sử dụng thay thế cho nhau.

Hiện giá dầu đã phục hồi khá nhiều so với thời điểm đáy hồi tháng 4/2020, dầu WTI giao tháng 9/2020 đã lên mức quanh 40 USD/thùng. Tuy nhiên, mặt bằng giá này vẫn thấp hơn khá xa so với mức giá dầu giả định 60 USD/thùng mà CNG Việt Nam đưa ra để xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Trong khi đó, giá dầu có thể tăng lên mức 60 USD/thùng trong bối cảnh hiện nay hay không là điều không ai đoán định được, do tình hình Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Vì vậy, CNG Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ vỡ kế hoạch năm 2020.

Tin liên quan
Tin khác