Thế tiến thoái lưỡng nan
Ba ngày cuối của tháng 11 chứng kiến liên tục các buổi roadshow về việc bán vốn nhà nước tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Với mức vốn hóa của Sabeco lên tới 9 tỷ USD và kế hoạch thoái vốn có thể đến 49% cho nhà đầu tư nước ngoài và cao hơn với nhà đầu tư trong nước, ngân sách sắp có thêm gần 5 tỷ USD dành cho các kế hoạch đầu tư ưu tiên.
Cũng trong những ngày này, nhóm cổ phiếu chuẩn bị thoái vốn nhà nước, như BMP, NTP, VCG, FPT, VGC bứt phá mạnh, mang chỉ dấu tốt cho nguồn thu tới đây của Nhà nước.
Hiệu quả của hoạt động đầu tư cần dựa trên cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm thực chất. Trong ảnh: Dự án Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Đ.T |
Tuy nhiên, các tin tốt càng khiến nỗi đau của nền kinh tế từ những dự án ngàn tỷ đắp chiếu, dự án đầu tư lãng phí, chậm trễ của nhà nước thêm nhức nhối.
Thậm chí, trong kỳ họp mới đây, một đại biểu Quốc hội đã làm phép so sánh, nếu đem số tiền thất thoát trong vụ án Phạm Công Danh và vụ Trịnh Xuân Thanh (sẽ được đưa ra xét xử trong quý I/2018 tới theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) sử dụng cho mục đích công ích, Việt Nam có thể miễn thuế đất nông nghiệp cho toàn bộ nông dân lần lượt trong khoảng 300 năm và 100 năm.
Nhưng, ngay cả khi chỉ chọn góc nhìn đơn giản từ các dự án chậm tiến độ, thì nền kinh tế đã phải gánh tổn thất không nhỏ. Ví như chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, số vốn huy động trái phiếu chính phủ là 148.000 tỷ đồng (bằng 81% kế hoạch năm 2017), mới giải ngân 3.500 tỷ đồng (7% dự toán năm), nhưng vẫn phải trả lãi suất cho cả gói. Hay các báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước cho thấy, một tỷ lệ lớn dự án không được bố trí đủ nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ.
Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tính, chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm (6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích dự án bị mất đi). Tính trung bình, dự án chậm 2 - 3 năm làm tăng chi phí đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn 2011-2015, bước cải thiện là không nhỏ, nhất là sau khi kỷ cương đầu tư công được siết chặt với sự ra đời của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp vào năm 2014. Hệ số đầu tư tăng trưởng (ICOR) của đầu tư công đã giảm, từ 6,96 giai đoạn 2006-2010, xuống 6,91 giai đoạn 2011-2015.
Nhưng, so với nhiều nước trong khu vực, cụ thể là mức 5,4 của Malaysia; 4,64 của Indonesia; 4,1 của Philippines, ICOR của Việt Nam vẫn cao...
Vấn đề là, những tồn tại trong đầu tư công đang đặt nền kinh tế Việt Nam vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đó là, nếu mở đầu tư công, mà không nâng cao quản trị, thì nợ công và bất ổn kinh tế sẽ tăng, nhưng nếu thắt chặt hoặc chậm giải ngân, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lại bị ảnh hưởng.
Hơn thế, các nỗ lực cải cách nền kinh tế sẽ không thể bật lên, thậm chí bị nhấn chìm bởi những cơn sóng ngầm bộc phát bất cứ lúc nào, do các tồn tại trong thể chế quản lý đầu tư công chưa được giải quyết dứt điểm, từ thể chế quản lý ngân sách, quy hoạch, lựa chọn, thực hiện dự án đến quản lý xây dựng đánh giá, giám sát dự án...
Những bức tường bao quanh khu công nghiệp
Nỗi day dứt của TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright trước hiệu quả không cao của các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế rất lớn, khi tỷ lệ lấp đầy chưa tương xứng với khoản đầu tư đã đổ vào.
“Thiếu liên kết vùng và cát cứ địa phương là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất, cản trở Việt Nam khai thác các tiềm năng một cách tối ưu”, ông nói.
Đây là lý do khiến sự thành công trong giai đoạn đầu thập niên 2000 của khu công nghiệp, khu chế xuất đã không kéo dài khi xuất hiện “phong trào” đầu tư khu công nghiệp. Thậm chí, cho đến giờ, nhiều khu công nghiệp với những bức tường bao đã thành nơi tập trung phát triển công nghiệp địa phương, thay vì phát triển chuỗi sản xuất, kết nối năng lực từng vùng như kế hoạch ban đầu.
“Các ‘bức tường’ bao khu công nghiệp và cả nhiều khu kinh tế rất thích hợp cho tư duy cát cứ và chia cắt. Để chấm dứt tình trạng này, cơ chế, chính sách phải phá bỏ được chúng, để tạo sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương với nhau. Chìa khóa chính là cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm thực chất, để tạo động cơ khuyến khích thay vì đặc quyền phát triển riêng rẽ”, TS. Du nói.
Câu chuyện phân bổ nguồn lực theo cách nơi làm tốt không được hưởng, trong khi người làm không tốt, hay nơi sử dụng nguồn lực không hiệu quả lại được ưu ái không phải quá khó tìm bằng chứng. Có thể kể tới các địa phương tạo ra nhiều nguồn thu, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn phải chia sẻ hay bị lấy đi rất nhiều, trong khi có địa phương thực sự không có lợi thế kinh tế “vẽ vời” đủ thứ để giành nguồn lực cho những dự án mà tính khả thi về mặt kinh tế gần như bằng không.
Ngay thực trạng chưa có nhiều thông tin tích cực về hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân cũng được xác định là có nguyên do từ sự phân bổ nguồn lực không đúng chỗ.
Đó là chỉ số quay vòng vốn của doanh nghiệp tư nhân chỉ đạt 0,7 lần và hiệu suất sinh lời trên tài sản chỉ đạt 1,4%, trong khi tỷ lệ này của khu vực FDI là 5,9%... Đáng nói là cấu trúc sở hữu cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam manh mún, khó lớn. Tỷ trọng trong GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân rất thấp (dưới 8%) và không thay đổi trong suốt giai đoạn 2005-2015. Trong thời gian này, khu vực kinh tế cá thể trong GDP ổn định ở mức trên 31%... Cho dù doanh nghiệp thành lập mới 11 tháng đầu năm 2017 đã vượt kỷ lục của năm 2016, với 116.000 doanh nghiệp, vốn đăng ký hơn 1,1 triệu tỷ đồng, nhưng vẫn có tới 60% đầu tư vào bất động sản.
“Chi phí vốn, chi phí hoạt động cao; ách tắc trong giao thông, hạ tầng kết nối và sự phân tán nguồn lực khiến doanh nghiệp tư nhân Việt... èo uột”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét.
Nhưng mấu chốt là, nếu cải thiện được 1 điểm phần trăm hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp tư nhân, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 tỷ USD, bằng gần 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP.
Trong tình thế này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) liên tục nhắc tới giải pháp mà ông tin là hữu hiệu nhất, đó là phân bổ lại nguồn lực theo nguyên tắc thị trường.
“30 năm trước, chúng ta mở cửa thị trường, tự do hóa giá cả, nguồn lực trong dân bung ra. Hiện tại, thị trường nhân tố sản xuất, nhất là thị trường vốn, tín dụng, thị trường quyền sử dụng đất, đang bị kìm hãm bởi hành chính xin - cho. Chỉ cần trả lại thị trường, không còn xin - cho, cộng với thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước theo nguyên tắc và quy luật thị trường, khu vực tư nhân sẽ lại bung ra”, ông Cung đề xuất.
Vai trò nhà nước
Quan điểm của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbirght Việt Nam về đầu tư công rất rõ ràng. Nền kinh tế cần đầu tư công không phải chỉ để thúc đẩy tăng trưởng ở phía cầu, mà quan trọng hơn là khai thông các điểm nghẽn về hạ tầng.
“Giai đoạn trước, đầu tư công ở mức cao so với quy mô nền kinh tế, nhưng vì kém hiệu quả, nên tài sản chất lượng tạo ra không được là bao, mà nợ công đã đạt trần 65% GDP theo sự cho phép của Quốc hội”, ông Thành thẳng thắn.
Để có tăng trưởng giai đoạn này, nền kinh tế vẫn phải đầu tư nhưng nguồn lực dường như đã cạn kiệt. Nên ngắn hạn, theo ông Thành, chỉ có nguồn tiền từ cổ phần hóa và thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước có thể đáp ứng yêu cầu. Trong trung hạn, thay vì việc đổi đất lấy hạ tầng như trước đây, khiến cho hoạt động không minh bạch, làm tăng nợ công, có thể đổi phương thức huy động vốn cho đầu tư công.
“Nên chấp nhận cho các địa phương đầu tư hạ tầng bằng trái phiếu công trình, đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, Nhà nước không bảo lãnh thì không gánh nợ công. Tiến hành đấu thầu cạnh tranh, hạ tầng đầu tư xong thì giá trị càng cao và thực hiện đấu giá đất, thu tiền về và sẽ trả nợ trái phiếu. Như vậy, vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, không làm tăng nợ công, lại đảm bảo minh bạch”, ông Thành khuyến nghị.
Còn dài hạn, cải cách thuế, đặc biệt là thuế bất động sản để đầu tư hạ tầng tại địa phương, PPP và cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả đầu tư công là những giải pháp được bàn tới.
TS. Cung thì coi trọng giải pháp thay đổi tư duy quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, phải cắt giảm ít nhất 50% số sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 yêu cầu phải áp dụng kiểm tra chuyên ngành – hoạt động đang lấy đi của doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu 30 triệu ngày công và 14.000 tỷ đồng mỗi năm (theo con số mà Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhắc tới).
Ông tiếp tục đề xuất phải bãi bỏ từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh trước quý II/2018, cùng với đó là các cơ chế rộng rãi hơn mô hình cách đồng mẫu lớn, các mô hình tổ chức sản xuất khác; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp… Khi đó, quản lý nhà nước sẽ dựa trên cơ sở quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, sự tham gia giám sát của cộng đồng và đặc biệt trách nhiệm của công chức trong thực thi.
Phải nhấn mạnh, một nền kinh tế được coi là phát triển bền vững khi các nguồn lực được khơi dậy đúng lúc và đặt đúng chỗ. Và chìa khóa của sự đúng lúc và đúng chỗ này nằm ở vai trò của nhà nước.