- Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cơ cấu lại không gian kinh tế
- Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế: Đặt mục tiêu năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp
- Cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với bối cảnh đại dịch Covid-19
- Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Gọi tên lực lượng doanh nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp. |
Tiếp thu ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 sẽ trọng tâm, trọng điểm hơn khi trình Quốc hội, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết chuỗi
Chiều 29/9, trong phiên họp toàn thể lần thứ hai, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan tham mưu xây dựng kế hoạch để Chính phủ trình Quốc hội), tuy nhiên, quan điểm chung của các đại biểu là cả mục tiêu và giải pháp đều cần có trọng tâm, trọng điểm hơn, làm nổi bật lên những nội dung cần cơ cấu lại trong 5 năm tới.
Đại biểu Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho rằng, nếu thực hiện được đầy đủ các giải pháp tại kế hoạch thì đến năm 2025, nền kinh tế quá tốt rồi. Việc quan trọng, theo đại biểu Lan là cần thể chế hoá, cụ thể hoá các giải pháp này, tập trung làm nổi bật lên xem 5 năm tới cơ cấu lại nền kinh tế khác cái gì so với 5 năm vừa qua.
Thời điểm này, sau 10 năm tái cơ cấu (sau này gọi là cơ cấu lại) nền kinh tế, bà Lan nhận xét đầu tư công (một trong 3 trọng tâm tái cơ cấu từ năm 2013 đến nay) có sự chuyển biến rất lớn.
"Ở địa phương, chúng tôi thấy rất rõ, các dự án đã có tính lan toả tốt hơn, tránh dàn trải hơn", bà Lan nhận xét.
Cũng từ thực tế địa phương, nhất là qua sự tấn công của Covid-19 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị kế hoạch mới cần tăng cường cơ cấu lại không gian kinh tế, đẩy mạnh liên kết vùng.
Bà Lan chia sẻ rất thấm thía điều này khi trong dịch Covid-19 vừa qua, Công ty Samsung có cơ sở ở một số tỉnh xung quanh Bắc Ninh, chỉ cần một nơi đóng cửa là các nơi khác cũng đóng theo. Vì thế, các tỉnh đã sáng kiến là giữa Bắc Ninh - Thái Nguyên - Bắc Giang ký hợp tác để bất cứ nơi nào có dịch thì sẽ điều phối sản xuất linh hoạt để doanh nghiệp không bị dừng sản xuất, dự thảo hợp tác hiện nay đang được lấy ý kiến các tỉnh.
"Rất cần thể chế để không chỉ thực hiện liên kết vùng, mà còn liên kết theo chuỗi sản xuất nữa", bà Lan nhấn mạnh.
Nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại biểu Vũ Tiến Lộc nói, gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến hai chữ "hùng cường", nhưng 5-10 năm tới nguy cơ cao nhất là rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bởi vậy, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải nhằm vào mục tiêu thoát bẫy thu nhập trung bình, ông Lộc đề nghị.
Muốn đạt được mục tiêu này, theo ông Lộc, cần tập trung vào các giải pháp nâng cao khả năng tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế, hệ thống chỉ tiêu cần có thêm chỉ tiêu này để đánh giá. Tóm lại, 5 năm tới, cơ cấu lại nền kinh tế cần tập trung cho tư nhân hoá (tăng tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP), số hoá, xanh hoá.
Liên quan đến kinh tế tư nhân, kế hoạch mới đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, tức là gấp đôi hiện nay.
Với khung thể chế như hiện nay làm sao tăng được gấp đôi số lượng doanh nghiệp. Để thúc đẩy kinh tế tư nhân thì phải quan tâm đến khu vực hộ kinh doanh, đối xử với họ đúng vị trí pháp lý là một doanh nghiệp như thông lệ quốc tế. Hiện đóng góp của khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm có 10% GDP, còn hộ kinh doanh chiếm đến 30% GDP, tại sao lại không thúc đẩy khu vực này, ông Lộc phát biểu.
Bên cạnh những vấn đề chung, một số ý kiến tại phiên thẩm tra cho rằng, cần làm rõ một số vấn đề cụ thể như 12 đại dự án hết nhiệm kỳ này có xử lý xong không hay lại kéo dài đến nhiệm kỳ sau, rồi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có còn ì ạch mà chẳng quy được trách nhiệm cho ai như nhiều năm qua hay không?
Quyết liệt hơn với dự án, ngân hàng yếu kém
Phát biểu cuối phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với một số ý kiến là cần phải làm rõ tại sao giai đoạn 2016-2020, 3 trong số 5 mục tiêu cơ cấu lại chưa hoàn thành đều ở khu vực công (thuộc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công). Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gia đoạn 2021- 2025 phải rõ trọng tâm trong điểm, mới hơn, đột phá hơn, Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra nhắc lại yêu cầu của nhiều đại biểu.
Tiếp thu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết dự thảo tại phiên thẩm tra vẫn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, sau khi hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị sẽ trình Chính phủ để trình ra Quốc hội.
Nhìn lại 10 năm cơ cấu lại nền kinh tế, ông Phương nói, kế hoạch năm 2011 được ra đời do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và Việt Nam tận dụng cơ hội thay đổi của thế giới sắp xếp lại để nền kinh tế ứng phó tốt hơn với cú sốc bên ngoài.
Lần này, do tác động của Covid-19, thế giới có cấu trúc lại về nhiều mặt, tác động của Covid-19 cũng là cơ hội để Việt Nam sắp xếp lại một số lĩnh vực trọng tâm để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế.
Từ lý do trên, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết kế hoạch mới sẽ làm những gì chưa hoàn thành, hiện tại còn một số lĩnh vực dở dang là cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém. Và 12 dự án trong lĩnh vực công thương cũng cần quyết liệt hơn thời gian tới. Đầu tư công cũng sẽ phải tiếp tục cơ cấu lại.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới toát lên hai ý tận dụng 4.0 và cơ hội Covid-19 đem lại là đổi mới sáng tạo và kinh tế số. Hiện cơ quan hữu quan đang tính kinh tế số là gì và chiếm tỷ trọng như thế nào trong nền kinh tế, như ý kiến của một số đại biểu, ông Phương nói.
Cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉ đạo của Bộ Chính trị, kế hoạch sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói thêm đây là kế hoạch lớn, mang tính quốc gia, nên có nhiều nội dung gần giống kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, nhưng phạm vị sẽ trọng tâm hơn.
Lưu ý cần xem lại tính khả thi của chỉ tiêu năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị kế hoạch trình ra Quốc hội cần có thời hạn cụ thể xử lý các dự án dở dang và 3 ngân hàng yếu kém theo hướng đẩy nhanh lộ trình, giảm thiệt hại cho nền kinh tế.