Còn quá nhiều việc cần phải làm để Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 về đích, khi già nửa số chỉ tiêu được xác định là “rất thách thức để có thể hoàn thành”. Tuy nhiên, Việt Nam đang trong cơ hội lịch sử để trở thành “không thể thiếu trong kỷ nguyên công nghệ” và bài toán cơ cấu lại nền kinh tế cần những lời giải mang tính xoay chuyển.
Lễ khánh thành nhà máy thứ hai của Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung vào tháng 9/2023 |
Bài 3: Không có ngã ba đường
Sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài con đường tăng trưởng dựa trên năng suất, hiệu quả nếu Việt Nam muốn đi nhanh, bền vững đến các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 2030-2045.
Chuyện Bắc Giang... có biển
Lễ khánh thành nhà máy thứ hai của Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung vào tháng 9/2023 đã vẽ những nét đầu tiên trong định hướng phát triển hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn của Bắc Giang.
Như vậy, sau khi nổi lên với tên gọi là “cứ điểm” mới trong dòng chuyển dịch cung ứng công nghệ, với các dự án công nghệ cao của nhà sản xuất AirPods lớn nhất thế giới Luxshare-ICT và Foxconn, địa phương trung du Bắc bộ từng là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam này đã góp mặt vào chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương không vội vã với thành tích này. “Đây mới là những bước đầu trên lộ trình dài. Cứ đặt mình vào vị trí một nhà đầu tư từ một nước khác đến, đầu tư nhà máy lớn, hoạt động trong 50 năm, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”, ông Dương lý giải.
Trong bài tính của lãnh đạo Bắc Giang, lộ trình dài, nhưng rõ đầu việc, từ việc nắm bắt được xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng của thế giới, chiến lược đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn để đi sớm trong xây dựng Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đến chiến lược đầu tư hạ tầng, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ. Thế độc đạo của một số tuyến đường được phá vỡ bằng các con đường, cây cầu xây mới. Các khu công nghiệp cũng được bố trí để không quá gần nhau. Việc đón làn sóng lao động nhập cư trong tương lai đã được tính tới, song hành với quy hoạch nhà ở, trường học, bệnh viện… để giải quyết sớm bài toán an sinh xã hội.
Đặc biệt, Bắc Giang đang làm mọi việc để… có biển trong vòng 5 năm tới. “Mình không có biển, nhưng phải ra biển nhanh nhất, mình không có sân bay, nhưng phải ra sân bay nhanh nhất”, ông Dương nói.
Cách đây 2 năm, khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho Foxconn với dự án dây chuyền sản xuất MacBook và iPad của Apple tại Việt Nam, ông Dương cũng giữ thái độ tương tự. Khi đó, ông đã nói, nhà đầu tư không đặt câu chuyện làm ăn trong 5-10 năm, mà có tầm nhìn hàng chục năm, thậm chí lâu hơn. Vì vậy, những gì Bắc Giang đang làm là tìm lời giải cho bài toán ở cùng vạch đích với các tập đoàn lớn một cách thân thiện, dù đó là cam kết “nói không với thái độ thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp”, hay mong muốn không tưởng là đưa Bắc Giang ra biển…
“Bắc Giang xác định chiến lược tập trung thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có công nghệ cao, ưu tiên ngành chế biến - chế tạo, công nghệ xanh. Cùng với đó là từng bước xây dựng hệ sinh thái công nghiệp chế biến - chế tạo để tối ưu hóa chuỗi giá trị sản xuất tại Bắc Giang và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nên buộc phải chọn cách đi, không có con đường khác, kể cả việc chọn nhà đầu tư có suất đầu tư tối thiểu một dự án từ 100 tỷ đồng/ha (hoặc 4 triệu USD), sử dụng không quá 350 lao động/ha…”, ông Dương làm rõ.
Tuy nhiên, trong thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn, ông Dương nói rất cần thiết, nhưng không thể làm theo phong trào. Hiện tại, các dự án Bắc Giang nhắm tới là phù hợp với điều kiện thực tế, như các dự án sản xuất tế bào quang điện, hay các dự án kiểm định - đóng gói chip, như dự án của Hana Micron Việt Nam.
“Nguồn nhân lực của Việt Nam chưa đủ đáp ứng các dự án ở khâu đoạn cao hơn, chưa kể các điều kiện về hạ tầng, điện, nước…”, ông Dương chia sẻ.
Chìa khóa nằm ở cả 3 khâu đột phá
Khi thảo luận về cơ cấu lại nền kinh tế nghị trường trong Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng đặt trọng tâm vào chất lượng nguồn nhân lực. Câu chuyện không chỉ nằm ở nhân lực cho công nghiệp bán dẫn hay các ngành kinh tế mới.
“Chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng nếu chưa có ổ lót là lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện, thì làm sao đại bàng công nghệ có thể hạ cánh và đẻ trứng vàng cho chúng ta?”, ông Khải đặt câu hỏi.
Rõ ràng, nhiệm vụ lớn cấp thiết nhất để tháo gỡ là phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là rào cản, nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ để đón, để giữ chân nhà đầu tư, mà còn để tạo ra không gian cho thị trường lao động mới.
Nhưng thể chế cho nguồn nhân lực cũng chỉ là một thách thức.
Đặt nhiều kỳ vọng vào sự bứt phá của Bắc Giang, không chỉ ở chiến lược phát triển, mà ngay cả những đóng góp đã hiện hữu vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng lại băn khoăn khi nhìn vào bài toán tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Bắc Giang có được vị thế đàm phán với các nhà đầu tư dựa trên điều kiện quan trọng là sự thuận lợi về hạ tầng và môi trường đầu tư - kinh doanh được cải thiện rõ nét. Hiện giờ, từ Bắc Giang đi Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, lên cửa khẩu biên giới Việt - Trung hay ra cảng Hải Phòng chỉ mất khoảng 1-2 giờ, nhờ hệ thống đường cao tốc và các dự án đầu tư đường kết nối Bắc Giang với Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP. Hà Nội.
Nhưng để Bắc Giang thực sự nâng cấp về giá trị, chứ không chỉ là chuyển dịch dần dòng vốn, nghĩa là cần sự có mặt của chuyển giao công nghệ, của các doanh nghiệp nội địa mạnh trong chuỗi giá trị sản xuất công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, thì quyết tâm chính trị, sự đồng thuận, sáng tạo của chính quyền Bắc Giang, thậm chí của các tỉnh trong mối liên kết vùng là chưa đủ.
“Bắc Giang là ví dụ sống động cho lý thuyết một đồng đầu tư công sẽ kéo được 4-5 đồng đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Nhiều địa phương, vùng kinh tế sẽ tiếp tục hưởng lợi trong vài năm tới khi 600 km đường cao tốc hoàn thành, kết nối các khu công nghiệp khu vực Bắc Trung bộ với Vùng Đông bắc bộ; cực Nam Trung bộ với vùng Đông Nam bộ. Chỉ cần hạ tầng giao thông kết nối thông thoáng, nguồn nhân lực được đảm bảo, thị trường sẽ làm nhiệm vụ đưa nguồn lực đến nơi hiệu quả hơn mà không cần bàn tay của Nhà nước”, TS. Kiên làm rõ.
Điều này cũng có nghĩa, thách thức của Bắc Giang và các địa phương khác trong quá trình nâng đẳng cấp phát triển đang phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ và chất lượng của việc thực hiện các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, ở cả 3 khâu đột phá được chọn là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Nhưng ông Kiên cũng nhìn nhận, chìa khóa cũng lại nằm ở chính các khâu này, vì đây là những chỗ Nhà nước có thể chủ động can thiệp trực tiếp và khi Nhà nước can thiệp thì tình thế sẽ xoay chuyển rất nhanh.
Con đường phía trước không có ngã ba
Trở lại cuộc nhóm họp giữa các chuyên gia kinh doanh và một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, đã có một loạt kiến nghị được đề xuất, dự kiến được hoàn tất để sớm gửi tới Chính phủ.
Có thể nhắc tới những giải pháp rất cụ thể đã được bàn tới, như thu hút các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới về sản xuất chip đến Việt Nam trong thời hạn sớm nhất và nhiều nhất có thể thông qua việc quy hoạch khu công nghiệp, hạ tầng đầy đủ, phù hợp theo yêu cầu của nhà đầu tư và đáp ứng chuẩn quốc tế đối với sản xuất chip; cam kết cung ứng điện đầy đủ, liên tục với điện áp ổn định và phù hợp cho các nhà đầu tư...
Cùng với đó, tạo không gian và cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tham gia được vào khâu ứng dụng, trước khi có thể đi sâu hơn vào các khâu đoạn thiết kế, đóng gói, kiểm ra, kiểm định chip hay trực tiếp sản xuất các loại chip phù hợp… Thực hiện đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, kỹ sư thực hành, kỹ sư, tiến sỹ và các cán bộ trình độ cao khác theo chuẩn quốc tế phổ biến; thực hiện chi 1% GDP cho nghiên cứu và phát triển...
Còn rất nhiều điểm phải bàn, nhưng điểm chung giữa tính toán của các doanh nghiệp và giới chuyên gia khá rõ, đó là với những cam kết chính trị của Việt Nam với thế giới về phát triển xanh, không phát thải; về cam kết cải cách thể chế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như trong các tuyên bố về các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 2030-2045 là đưa nền kinh tế gia nhập các nước có thu nhập cao… Việt Nam không thể chậm trễ hơn trong thực hiện các kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy động lực, không gian mới cho phát triển.
Đây là lúc Nhà nước phải biến thách thức của nền kinh tế thành cơ hội của doanh nghiệp.
(Còn tiếp)