Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp trong vùng đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa.
Hiện tổng diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL là 4,19 triệu ha, chiếm 54,3% diện tích cả nước; tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới (gạo ST25 liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới).
Diện tích nuôi cá tra đạt 6.000 ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn (năm 2019), nhu cầu giống thả nuôi khoảng 3-4 tỷ con; toàn vùng có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ ương cá giống với diện tích khoảng 3.500 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ.
Cơ cấu nông nghiệp trong vùng ĐBSCL đã có sự chuyển dịch tích cực |
Diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 669.000 ha, chiếm 92,9% diện tích cả nước; năm 2019, sản xuất khoảng 16 tỷ con giống, đáp ứng được 45% nhu cầu thả nuôi. Diện tích cây ăn quả có khoảng 335,4 ngàn ha, chiếm 36,3% diện tích cả nước, gồm các cây trồng chủ yếu như: xoài, cam, bưởi, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, dứa…, nhiều giống cây ăn quả khẳng định được năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện vùng ĐBSCL đã được đưa vào sản xuất, nâng cao giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Về cơ cấu nông nghiệp trong vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đã có sự chuyển dịch tích cực. Nếu như trước đây xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL gồm "lúa gạo, thủy sản, trái cây" thì vừa qua để thích ứng với biến đổi khí hậu phải khai thác thế mạnh theo ưu tiên "thủy sản, trái cây, lúa gạo".
Trước Nghị quyết 120, trong 3,2 triệu ha đất nông nghiệp của vùng, có 1,82 triệu ha đất lúa, 860 nghìn ha thủy sản, 385 nghìn ha cây ăn trái. Sau Nghị quyết, diện tích trồng trái cây tăng lên 450 nghìn ha, thủy sản đã lên trên 900 nghìn ha, diện tích lúa giảm còn 1,7 triệu ha, diện tích lúa 3 vụ cũng giảm. Năm 2016, xuất khẩu nông sản của toàn vùng đạt 7 tỷ USD, nhưng năm 2020 đã là 8,8 tỷ USD, điều đó cho thấy việc chuyển hướng thuận thiên không những đúng hướng mà còn hiệu quả.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Nghị quyết 120 ban hành trong bối cảnh cực kỳ khó khăn về nguồn lực nhưng Chính phủ đã tập trung cao độ, như bố trí 10 nghìn tỷ đồng để xử lý 119 km bờ biển và một số khu vực ven sông, một số công nghệ mới nhất được đưa vào sử dụng.
Về thủy lợi, đã kết hợp giữa giải pháp cứng và mềm, chỗ nào đủ ngọt thì trồng lúa, vùng nước lợ mặn thì nuôi trồng thủy sản trên cơ sở hệ thống thủy lợi được chăm lo. Với 28 nghìn tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi trong vùng, hàng loạt công trình lớn chỉ trong 3 năm qua đã được đưa vào sử dụng, 300 nghìn ha đất nông nghiệp được chủ động nguồn nước từ các công trình này, chưa kể một loạt các công trình của địa phương.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên bố trí các nguồn lực, nhất là kinh phí cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, thủy lợi, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển... phục vụ sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống của nhân dân ĐBSCL. Theo đó, sẽ chia làm 3 nhóm dự án để tính toán đầu tư.
Nhóm 1, đầu tư các dự án kiểm soát mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhóm này có 2 đối tượng gồm: Đầu tư các công trình chuyển nước hợp lý giữa các vùng; và đầu tư hoàn chỉnh, liên thông các hệ thống thủy lợi chủ động kiểm soát mặn, phục vụ chuyển đổi nông nghiệp bền vững theo 3 vùng sản xuất.
Nhóm 2, đầu tư hệ thống trữ ngọt, cung cấp nước sinh hoạt, trữ nước hộ gia đình cho người dân khu vực thường xảy ra xâm nhập mặn.
Nhóm 3, đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhu cầu đầu tư cho vùng ĐBSCL khoảng 41.257 tỷ đồng, trong đó rà soát những nội dung ưu tiên thì đề xuất đầu tư trong nguồn vốn của Bộ khoảng 30 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản có tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu...