Dự thảo Luật bổ sung quy định về trích kinh phí cho các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở để phục vụ công đoàn viên. |
Hai phương án phân phối kinh phí công đoàn
Chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ 48 (dự kiến diễn ra từ chiều 10/9).
Trước đó, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra dự án luật.
Theo tờ trình của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 13 điều và sửa kỹ thuật 5/33 điều của Luật Công đoàn.
Một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là việc sử dụng kinh phí công đoàn sẽ có thay đổi. Luật hiện hành (khoản 2, Điều 26) quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Nhiều năm qua, Tổng liên đoàn nhận định, nhiều tổ chức, cá nhân nhầm tưởng số kinh phí 2% chỉ nhằm để phục vụ cho công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, có người hoài nghi về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này.
Để công khai, minh bạch hơn nữa, Dự án Luật bổ sung quy định về trích kinh phí cho các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động.
Mặt khác, trong bối cảnh Bộ luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, vấn đề chia sẻ nguồn kinh phí công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cần được xem xét. Vì vậy, Dự thảo Luật xây dựng 2 phương án về phân phối kinh phí công đoàn.
Theo phương án 1, 75% quỹ công đoàn được phân phối như sau: a) Tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở được hưởng 100% số kinh phí nêu trên. b) Tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ 100% số kinh phí nêu trên, thực hiện chi cho người lao động tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hoàn trả cho công đoàn cơ sở khi được thành lập. c) Tại doanh nghiệp có tổ chức của người lao động thì tổ chức của người lao động được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn.
Còn theo phương án 2, ở những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Bên cạnh 2 phương án đã trình bày ở phần trên, trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật, Tổng liên đoàn nhận được nhiều ý kiến và đề xuất các phương án khác. Chẳng hạn, sửa khoản 2, Điều 26 thành: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không phải là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.
Phương án này được cho là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn (điều chỉnh các cấp công đoàn của Công đoàn Việt Nam), phù hợp với Hiến pháp.
Dù chọn phương án nào, thì Tổng liên đoàn đều khẳng định việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.
Sẽ có tổ chức đại diện người lao động khác công đoàn
Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm sự tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là một trong những lý do để sửa đổi Luật Công đoàn
Trong tương lai, khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, sẽ có các tổ chức đại diện người lao động không do tổ chức Công đoàn Việt Nam vận động thành lập và nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Vì thế, lần sửa đổi này, Luật Công đoàn dự kiến bổ sung vấn đề gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, bao gồm quy định về quyền gia nhập, điều kiện, trình tự, thủ tục xin gia nhập. Trong trường hợp được gia nhập vào hệ thống Công đoàn Việt Nam, tổ chức đó sẽ trở thành tổ chức công đoàn cơ sở, hoạt động theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và các văn bản hướng dẫn của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Thảo luận tại phiên thẩm tra sơ bộ, một số ý kiến Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị cần làm rõ về vấn đề này để đảm bảo tính khả thi của Dự luật.
Tổng thu tài chính công đoàn trong 7 năm (từ năm 2013 đến năm 2019) là 100.353 tỷ đồng, trong đó đoàn phí công đoàn là 25.250 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng số thu; kinh phí công đoàn là 62.825 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng số thu; ngân sách nhà nước hỗ trợ 332 tỷ đồng và các khoản thu khác là 11.946 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng số thu.
Từ năm 2013 đến năm 2019, tổng số chi tại các cấp công đoàn là 76.955 tỷ đồng. Trong đó, số chi tập trung nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở với 56.336 tỷ đồng, chiếm 73,2% tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện và đơn vị sự nghiệp là 11.649 tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành là 8.395 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng chi; số chi tại cấp Tổng liên đoàn là 575 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng chi.