Ngân hàng - Bảo hiểm
Cổ đông ngân hàng tái cơ cấu vẫn mòn mỏi chờ cổ tức
Vân Linh - 04/05/2021 14:37
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đang tái cơ xấu, xử lý nợ xấu tồn đọng phải tập trung mọi nguồn lực để tái cơ cấu.

Vì thế, dù lợi nhuận giữ lại còn nhiều, song các nhà băng này không thể chia cổ tức.

Từ năm 2015 đến nay, Sacombank thực hiện tái cơ cấu theo đề án đã được NHNN phê duyệt, nên phải tập trung mọi nguồn lực tái cấu trúc và chưa được phép chia cổ tức.

Hoàn tất tái cơ cấu mới được chia cổ tức

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Sacombank diễn ra ngày 23/4, không ít cổ đông thắc mắc việc Ngân hàng không chia cổ tức đã nhiều năm. Trả lời câu hỏi này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng cố gắng tái cơ cấu thành công trong 5 năm, dự kiến đến năm 2022 sẽ trở về trạng thái bình thường và đầu năm 2023 có thể chia cổ tức. Trước khi họp ĐHĐCĐ, HĐQT Sacombank đã có tờ trình gửi NHNN đề xuất dùng gần 6.500 tỷ đồng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Theo Sacombank, năm 2020, Ngân hàng lãi trước thuế 3.339 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019, vượt 30% so với kế hoạch. Sau khi trích các quỹ, lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế của Sacombank đạt gần 6.496 tỷ đồng.

Kể từ năm 2015 đến nay, Sacombank thực hiện tái cơ cấu theo đề án đã được NHNN phê duyệt, nên phải tập trung mọi nguồn lực tái cấu trúc và chưa được phép chia cổ tức.

Đến hết năm 2020, tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng 0,8%, lên 5.780 tỷ đồng. Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,9%, đạt 340.268 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,94% còn 1,7%.

Doanh số thu hồi và xử lý nợ xấu của Sacombank trong năm qua đạt hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, đã thu hồi 8.200 tỷ đồng các khoản thuộc Đề án Tái cơ cấu Sacombank sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam.

Tính từ năm 2017 đến nay, Sacombank đã xử lý gần 47.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng thuộc Đề án Tái cơ cấu, đưa tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới 9% trong tổng tài sản.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, mục tiêu của Ngân hàng trong năm nay là xử lý trên 10.000 tỷ đồng nợ xấu.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ Sacombank ngày 23/4, đại diện NHNN đánh giá cao việc xử lý các tồn đọng, nợ xấu sau sáp nhập của Sacombank. Tuy nhiên, theo yêu cầu của lãnh đạo NHNN, Sacombank cần tập trung đẩy mạnh phát mãi tài sản để xử lý các khoản nợ xấu, tài sản tồn đọng từ thời ông Trầm Bê tại Ngân hàng Phương Nam sau khi sáp nhập vào Sacombank.

Tăng trích dự phòng để xử lý nợ xấu

Không chỉ Sacombank, Eximbank cũng đã có văn bản gửi NHNN và đề xuất việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021.

Theo Eximbank, dự kiến số lợi nhuận được chia theo báo cáo hợp nhất sau khi trừ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi các năm từ năm 2018 đến 2020 là 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, mức cổ tức dự kiến là 1.800 đồng/cổ phiếu.

Eximbank là một trong những ngân hàng nằm trong diện không được chia cổ tức, do được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu đặc biệt (do VAMC phát hành từ năm 2015 về trước).

Không chỉ với những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu không được chia cổ tức, mà trong bối cảnh khó khăn của thị trường do ảnh hưởng bởi Covid-19, NHNN yêu cầu các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt, để tập trung nguồn lực giảm lãi suất.

Theo quy định của NHNN, tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức, nhằm tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán. Eximbank đã tất toán được trái phiếu VAMC cuối tháng 3/2021 và dự phòng rủi ro trên 4.000 tỷ đồng, nhưng còn một khoản nợ xấu thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank.

Báo cáo của Ban Kiểm soát Eximbank chuẩn bị cho ĐHĐCĐ năm 2020 (nhưng bất thành) cho biết, khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu STB cũng khiến hai chỉ tiêu an toàn hoạt động của Ngân hàng không đạt yêu cầu của NHNN.

Theo đó, tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ của Eximbank tại thời điểm 31/12/2019 là 6,04%, cao hơn so với mức quy định tối đa theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN là 5%, chủ yếu do 7 khách hàng quá hạn thế chấp cổ phiếu STB vay mua cổ phiếu EIB, với tổng dư nợ 746 tỷ đồng.

Để giải quyết vấn đề này, Eximbank đã lên kế hoạch bán số lượng cổ phiếu STB thế chấp để xử lý nợ xấu. Trước đó, ngày 2/10/2019, NHNN cũng đã có công văn chấp thuận cho Eximbank được xử lý tài sản đảm bảo là hơn 74,9 triệu cổ phiếu STB để thu hồi nợ vay theo quy định.

Với SCB, tại các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái, cổ đông ngân hàng này cho biết, suốt 8 năm qua, rất nhiều lần cam kết chia cổ tức, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể thực hiện.

Lãnh đạo SCB cho biết, Ban lãnh đạo cũng rất trăn trở việc nhiều năm không chia cổ tức cho cổ đông, nhưng thực tế, không phải là Ngân hàng không có tiền, song SCB đang trong giai đoạn tái cấu trúc, nên chưa được chia cổ tức và phải tập trung mọi nguồn lực tái cơ cấu.

Cũng theo lãnh đạo SCB, số tiền trên không mất đi đâu, vì được Ngân hàng đầu tư vào các tài sản dưới dạng bất động sản và đang tăng giá trị. Quỹ dự phòng rủi ro của SCB đến nay đã lên đến 14.000 tỷ đồng và được xem là của để dành.

Tin liên quan
Tin khác