Caption ảnh |
Từ chuyến thăm của ông trùm ngành chip
Tại Tọa đàm: Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) và Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) tổ chức đầu tuần này, ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia đã đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
“AI và chip mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của Nvidia, chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, cũng như sẽ đóng góp cho ngành AI của Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam”, ông Jensen Huang nói.
Theo Chủ tịch Nvidia, Việt Nam có nền giáo dục, hạ tầng tốt và chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương sẽ có nhiều lợi thế. Vấn đề hiện nay là cần nâng cao kỹ năng và xây dựng được đội ngũ 1 triệu chuyên gia AI. Nvidia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, Việt Nam có một số lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, AI, cũng như cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho Nvidia hoạt động tại Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị phía Nvidia đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư về bán dẫn, AI vào Việt Nam. Hợp tác, đầu tư, xây dựng các trung tâm R&D, phòng thí nghiệm về thiết kế, phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn của Nvidia tại NIC và các khu công nghệ cao. Hợp tác, tư vấn, hỗ trợ NIC đào tạo về nguồn lực, chuyên gia, xây dựng các chương trình đào tạo, thực hành trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Tạo điều kiện cho các kỹ sư, học viên của Việt Nam có thể tham gia thực tập, làm việc tại Nvidia.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Nvidia đồng hành với Việt Nam trong việc xây dựng vườn ươm doanh nghiệp ngành bán dẫn, cũng như tư vấn cho Việt Nam hình thành các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Ủng hộ, phối hợp với Việt Nam tiếp cận, triển khai các dự án trong khuôn khổ Quỹ Trợ cấp cho các hoạt động sản xuất và phát triển chất bán dẫn của Chính phủ Hoa Kỳ; tiếp tục mở rộng các hoạt động hợp tác, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, AI tại Việt Nam…
Đến việc nắm bắt cơ hội
Theo số liệu từ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2023), doanh số toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn năm 2022 đạt gần 600 tỷ USD. Đến năm 2024, nhu cầu chip trên toàn thế giới dự báo tăng đáng kể, một số mảng như chip nhớ tăng 25%. Doanh số vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Chia sẻ về tiềm năng ngành công nghiệp này, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là ngành công nghiệp nền tảng, mà còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.
Dưới góc độ doanh nghiệp, FPT tiết lộ, tổng đơn đặt hàng của FPT lên tới 67 triệu chip đến năm 2025, đến từ các khách hàng ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ông Nguyễn Văn Khoa, CEO FPT đánh giá, từ đầu năm 2023 đến nay, các hãng điện tử lớn có nhiều hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam. Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh chính là đầu ra cho con chip. Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam, phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA), tạo thuận lợi hơn cho thương mại, đầu tư lĩnh vực điện tử.
Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số cần đi song song phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi, trong đó có chip bán dẫn…
“Chính phủ dành sự quan tâm lớn cho mảng bán dẫn, với chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. FPT có lộ trình trong ngắn hạn là thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trung hạn là sản xuất; dài hạn là làm chủ công nghệ lõi. Tầm nhìn dài hơi, đưa AI vào mọi con chip, trải dài các lĩnh vực viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng... Để chuẩn bị cho tương lai, FPT mở ngành đào tạo bán dẫn chương trình cao đẳng, đại học; cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn theo chủ chương của Chính phủ đến năm 2030”, ông Khoa cho biết.
CEO Nguyễn Văn Khoa cũng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sẽ cùng đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới.
Quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030.