Thời sự
Cơ hội tăng xuất khẩu thủy sản vào thị trường Anh
Hải Yến - 10/01/2021 12:20
Nhu cầu nhập khẩu thủy sản bình quân khoảng 4,1 -4,5 tỷ USD/năm từ thị trường Anh là dư địa lớn để thủy sản Việt Nam tăng xuất khẩu nhờ cú hích từ Hiệp định Thương mại tự do UKVFTA.

Lợi thế xuất khẩu

Mức tăng trưởng xuất khẩu thủy sản 13% sang thị trường Anh năm 2020 chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực trong năm 2021, khi UKVFTA đã chính thức có hiệu lực.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ đầu năm 2020, khi Anh chính thức ra khỏi EU, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này có nhiều tín hiệu khởi sắc, trong khi xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU27 lại sụt giảm do tác động của Covid-19.

Năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 355 triệu USD, trong đó, tôm, cá tra, cua, ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực.Đặc biệt, sản phẩm cá tra chế biến tăng trưởng tốt, gấp hơn 15 lần so với năm 2019.

Trong khối EU28, trước khi chính thức ra khỏi EU, Anh luôn là một trong 7 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều thủy sản nhất trong Khối, đồng thời cũng là nước xuất khẩu đứng thứ 8 của Khối.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản bình quân của Anh khoảng 4,1 - 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016 - 2020, một phần để tiêu thụ nội địa, một phần để tái xuất khẩu sang các nước trong khu vực EU27.

Nguồn: Bộ Công thương

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods cho rằng, việc Anh rời khỏi EU trong năm 2020 đã không tác động xấu đến xuất khẩu thủy sản sang Anh, mà ngược lại còn tăng khá. Điều này tạo nên kỳ vọng đáng kể trong năm 2021 khi UKVFTA đi vào thực thi.

Yếu tố khiến các doanh nghiệp kỳ vọng là chính sách thuế nhập khẩu của Anh không thay đổi so với mức thuế của EU, ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Anh được dự báo vẫn ổn định và có thể gia tăng đối với các sản phẩm thủy sản nuôi. Đây là cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam.

Với UKVFTA, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh tiếp tục được hưởng các ưu đãi dựa trên cơ chế tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam trong cơ chế hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh trong giai đoạn 2014 - 2016.

Doanh nghiệp chuẩn bị khai phá thị trường

Một loạt hiệp định thương mại tự do đã đi vào thực thi, trong đó mới nhất là UKVFTA, đã tạo ra các tuyến “cao tốc” cho hàng hóa Việt Nam với những thuận lợi về thương mại, ưu đãi thuế quan. Phát huy hiệu quả các tuyến “cao tốc” này như thế nào phần lớn phụ thuộc vào các doanh nghiệp.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường EU và Anh, FMC đã và đang triển khai kế hoạch tái cơ cấu nhằm tận dụng lợi thế từ EVFTA và UKVFTA .

Để tận dụng tốt nhất cơ hội từ thị trường lớn, FMC đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Khang An (Khang An Foods) với vốn điều lệ 234 tỷ đồng. Khang An Foods sẽ hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy sản; gieo trồng, chế biến nông sản. 

Đối với thị trường Anh, việc chính thức rút khỏi EU không ảnh hưởng đến thương mại với các nước ngoại khối EU. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Anh được dự báo ổn định và có khả năng gia tăng trong thời gian tới đối với với sản phẩm thủy sản nuôi trồng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Để đảm bảo cân đối cung cầu, nguyên tắc chung là sản xuất phải gắn kết với thị trường. Vì vậy, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, chỉ khi nào ngành thủy sản tổ chức hiệu quả việc khai thác, nuôi trồng theo quy mô lớn, tập trung, gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường; các khâu sản xuất, nuôi trồng, khai thác, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ thủy sản phải được đặt trong chuỗi giá trị mà doanh nghiệp là yếu tố hạt nhân, then chốt, thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

Bên cạnh đó, phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản thông qua chất lượng và giá cả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Để tận dụng tối đa các lợi thế từ UKVFTA, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tự giác thực hiện nghiêm túc, tuân thủ chặt chẽ quy định về truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất, chế biến; kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để có sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững được đề cập tại UKVFTA và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, doanh nghiệp cần lưu ý các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường, do đây là những nội dung mà các nước rất quan tâm.

Tin liên quan
Tin khác