Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. |
Câu hỏi này được Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, sáng 12/10.
Tài liệu phục vụ hoạt động này rất đồ sộ, bao gồm báo cáo đầy đủ lên tới hơn 100 trang và nhiều báo cáo khác tổng cộng hàng ngàn trang.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều nội dung, vấn đề chưa rõ, đánh giá còn mang tính định tính.
Qua giám sát về thực hành tiết kiệm chống lãng phí cho thấy một loạt dự án năng lượng nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn, vậy trong báo cáo giám sát này đã làm rõ được hay chưa?.
Đặt câu hỏi trên, ông Huệ cho biết vừa trở về sau chuyến công tác Cần Thơ và thấy rằng chuỗi khí điện Lô B và Ô Môn, cả thượng và hạ nguồn đều tắc, giữa PVN, EVN và các bộ, ngành đều tắc.
“Giám sát phải chỉ ra được trách nhiệm, nhưng tôi đếm chỉ 8 dòng trong dự thảo nghị quyết mà cũng nói chung chung”, ông Huệ nhận xét.
Pháp luật chính sách thì nhiề,u nhưng cái gì là trọng tâm, như Quy hoạch Điện VII thực thi thế nào, khi cơ quan thanh tra, điều tra đang chỉ ra loạt sai phạm. Quy hoạch Điện VIII cần rà soát xem ban hành thì có phù hợp với quy hoạch và pháp luật đầu tư về quy hoạch hay không, nhiều dự án các địa phương nói không có danh mục gì cả, quy hoạch thì phải có danh mục, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chỉ ra hàng loạt vấn đề, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau giám sát cần phải có chuyển biến thiết thực, trọng tâm là gì, chứ nói năng lượng thì “vô cùng, vô tận” lắm. Không giám sát thì thôi, chứ giám mà không sát, không phát hiện, chấn chỉnh từ bây giờ thì khó.
Nhấn mạnh như trên, Chủ tịch Quốc hội lấy ví dụ như Chuỗi điện khí Lô B - Ô Môn, chính sách giá thế nào chưa rõ. “Ông thì nói không có giá đầu ra, ông lại bảo không có giá đầu vào, chỉ loanh quanh như vậy, trong khi nếu dự án được đầu tư, thì Cần Thơ phát triển bứt phá rất lớn”, ông Huệ nhìn nhận.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, sau khi giám sát, ban hành nghị quyết phải chỉ ra việc lớn phải làm, phải cụ thể. Hiện thanh tra, kiểm tra đều đang làm về điện lực. Vấn chuyển đổi năng lượng công bằng, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn, các tập đoàn tổng công ty phải làm gì? Thể chế chính sách nào là điểm nghẽn? Liệu sau nghị quyết này có tạo chuyển biến gì và hậu giám sát sẽ thế nào, Chủ tịch Quốc hội nêu hàng loạt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng quan tâm tới quy hoạch năng lượng. Ông Thanh nói, tháng 5/2023, Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt, nhưng hơn 2 tháng sau, thì Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia mới được phê duyệt. Tức là Quy hoạch điện “chạy trước” quy hoạch năng lượng.
Trong báo cáo của đoàn giám sát đặt ra vấn đề, quá trình triển khai các quy hoạch phân ngành than, dầu, năng lượng tái tạo trước đây không có tính liên thông, liên kết mà triển khai độc lập. Ông Thanh đề nghị cần đánh giá chất lượng các quy hoạch này.
Nêu rõ có ý kiến phản ánh hiện tượng trong Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh có hiện tượng đã có tên dự án với quy mô công suất cụ thể, tên nhà đầu tư, dự án trong danh mục trong quy hoạch rồi. “Tức là cạnh tranh, đấu thầu dự án trong danh mục dự án thuộc quy hoạch có vấn đề. Đề nghị đoàn giám sát xem câu chuyện này có hay không”, ông Thanh phát biểu.
Ông Thanh cũng dẫn nhận định tại báo cáo kết quả giám sát là quy hoạch phân ngành điện còn nhiều bất cập, nhất là phát triển điện gió, mặt trời, thuỷ điện nhỏ tại Quy hoạch Điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Sau đó, Chủ nhiệm Thanh đặt vấn đề, vừa rồi có phong trào đầu tư ồ ạt điện mặt trời, điện gió khi Bộ Công thương tham mưu ban hành giá FIT có thời hạn. Nhiều dự án được đưa vào hoạt động, có dự án được hưởng giá FIT, dự án không được hưởng giá FIT, hoặc có dự án chỉ được hưởng một phần giá FIT. Các cơ quan của Quốc hội đã nhận được kiến nghị của 36 nhà đầu tư thuộc diện này.
“Ở đây là câu chuyện điện sản xuất ra rồi, nhưng thiếu lưới truyền tải, thừa cục bộ, các nhà đầu tư không bán điện được lên lưới. Câu chuyện này đoàn giám sát phải làm rõ, nguyên nhân và trách nhiệm việc ban hành giá FIT đúng không? Việc hưởng giá FIT cho các doanh nghiệp có công bằng, đúng nguyên tắc và tiêu chí hay không? Ngoài ra, một nguồn công suất nhất định đầu tư ra mà không tiêu thụ, sử dụng được do thiếu đường dây truyền tải có phải là sự lãng phí, thất thoát nguồn lực xã hội hay không?”, ông Thanh nói.
Liên quan đến hai quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện ra sao, để xảy ra tình trạng, điện thì thừa mà không hòa được lưới điện quốc gia.
“Một số doanh nghiệp bất bình, không tin vào chính sách năng lượng của chúng ta”, ông Phương nhấn mạnh.
“Quy hoạch thì vượt công suất truyền tải, đến khi có điện rồi không hòa lưới điện cho người ta, rồi hợp đồng giá cả thì… cái này doanh nghiệp, người dân nói rất nhiều. Có vấn đề gì trong đó không, có lợi ích nhóm không. Vấn đề này đoàn giám sát phải phát hiện, nếu có thì chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng, phải làm nghiêm túc, chứ nói chung chung thì chả bao giờ khắc phục được”, Phó chủ tịch Quốc hội tỏ rõ quan điểm.
Ông Phương đề nghị qua giám sát cần xác định các giải pháp trọng tâm, đầu tiên là kịch bản đảm bảo an ninh năng lượng. “Các đồng chí nói nguy cơ thiếu điện rất lớn, nhưng giải pháp thế nào tôi chẳng thấy nói gì. Các đồng chí hô lên một câu khẩu hiệu là kiên quyết không để thiếu năng lượng trong bất kỳ tình huống nào. Câu này rất hay nhưng không có giải pháp nào. Nói 2024 thiếu điện thì sẽ thế nào, giải pháp căn cơ là gì, trước mắt thế nào, lâu dài ra sao”, ông Phương đặt vấn đề.
Ông Phương cũng cho rằng, cần nêu được giải pháp trọng tâm vấn đề xử lý bất cập của quy hoạch phân ngành điện. “Nếu không giữa công suất và truyền tải lại đá nhau. Doanh nghiệp kêu ca, người dân lại thiếu điện”, ông nói.