Khó từ huy động vốn tới quản trị rủi ro
Bấy lâu nay, lãi suất của các công ty tài chính tiêu dùng thường được đưa ra so sánh với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, sự so sánh này là khập khiễng, bởi hai bên có cơ cấu vốn đầu vào rất khác nhau.
Ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Home Credit phân trần: “Có một thực tế là chúng tôi không có chức năng huy động vốn trực tiếp từ dân cư như các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn đầu vào của chúng tôi được tạo lập qua hình thức phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu… Lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp phát hành phải hấp dẫn hơn trái phiếu chính phủ mới có thể huy động được vốn. Trái phiếu phát hành luôn có kỳ hạn dài 3 - 5 năm, trong khi cho vay tiêu dùng chủ yếu kỳ hạn ngắn, chỉ 6 - 18 tháng, và giá trị khoản vay rất nhỏ”.
Phải huy động vốn với lãi suất cao, cho vay hướng tới đối tượng rủi ro…, song công ty tài chính luôn bị đem ra so bì với ngân hàng thương mại. |
Cũng giống như Home Credit, nguồn vốn cho vay của đa phần công ty tài chính trên thị trường đến từ ngân hàng mẹ, vay trên thị trường liên ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng khác và huy động qua phát hành trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Hầu hết các kênh huy động vốn này đều có giá khá đắt đỏ, trừ công ty tài chính nước ngoài huy động vốn từ ngân hàng mẹ, khiến các công ty tài chính nước ngoài chiếm thị phần lớn tại nước ta hiện nay.
Lãnh đạo một công ty tài chính cho hay, các công ty tài chính khi vay vốn ngân hàng thường không có tài sản thế chấp. Chính vì vậy, lãi suất mà các ngân hàng cho vay là khá cao (15 - 17%/năm), nên các công ty tài chính khi cho vay khách hàng cũng không thể áp dụng lãi suất thấp.
Thiếu kênh huy động vốn cũng là lý do mà nhiều ngân hàng chưa mặn mà bước vào cuộc đua thành lập công ty tài chính. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay: “Ngân hàng mẹ chỉ được bơm vốn với một tỷ lệ nhất định với công ty con, muốn phát triển bền vững, công ty tài chính phải có kênh huy động vốn. Tuy nhiên, để huy động vốn trong bối cảnh hầu hết ngân hàng thắt chặt chuẩn vay là điều không đơn giản”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam nhận định, các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt là phải xây dựng được hệ thống quản trị rủi ro đủ mạnh, bởi hầu hết khách hàng của công ty tài chính là khách hàng dưới chuẩn.
Cần khuyến khích mô hình công ty tài chính
Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, chuyên gia kinh tế, vay tiêu dùng là xu hướng trên toàn thế giới và Việt Nam cần khuyến khích mô hình này phát triển để kích thích tiêu dùng.
“Vay qua công ty tài chính dễ dàng, thuận lợi hơn vay vốn ngân hàng. Đồng thời, công ty tài chính cũng giúp giảm tín dụng đen và giúp tránh nợ xấu. Tất nhiên, chính vì cho vay đơn giản, không đòi hỏi thế chấp, nên rủi ro của công ty tài chính cũng sẽ cao hơn, đi kèm với lãi suất cho vay cao. Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ khi vay vốn tại công ty tài chính để tránh khiếu kiện”, TS. Kiêm nói.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo nhiều công ty tài chính cho rằng, công ty tài chính đang hoạt động trong môi trường pháp lý chưa thuận lợi. Thêm vào đó, dữ liệu về khách hàng cũng rất thiếu. Do đó, rủi ro với các công ty này là rất cao. Đây cũng là lý do lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường cao hơn ngân hàng.
“Lãi suất sẽ chỉ giảm xuống khi thị trường xây dựng được đầy đủ lịch sử tín dụng của khách hàng, một khi quy chế quy định được phát triển đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi bên cho vay, cũng như giảm thiểu chi phí tín dụng. Hoạt động của các công ty tài chính khi đó mới trở hiệu quả hơn để giảm bớt chi phí vận hành”, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty FE Credit nhận định.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, hiện nay, khó khăn lớn nhất của các công ty tài chính nội là quản trị rủi ro, trong khi các công ty tài chính ngoại như Home Credit đã dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Do đó, để cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu rủi ro, các công ty tài chính cần tính tới việc hợp tác với đối tác chiến lược nước ngoài để tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại và phương thức quản trị rủi ro tiên tiến, đây cũng là cách mà HD Saigon đã làm.
Chắc chắn, một khi hệ thống công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam có được hành lang pháp lý thuận lợi và trang bị phương thức quản lý rủi ro hiện đại, thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ giảm nhanh hơn, từ đó, một lượng lớn khách hàng có thu nhập thấp cũng sẽ có cơ hội tiếp cận vốn từ kênh chính thức mà không phải qua tín dụng đen.