“Chúng tôi đang bắt tay vào sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, để thúc đẩy việc thoái vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và xử lý vướng mắc trong tiến trình cổ phần hóa (CPH)”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.
| ||
CPH DNNN vướng cả về cách tính giá đất, cả trong phân định trách nhiệm công ích với nhiệm vụ kinh doanh |
Số liệu từ Ban Chỉ đạo và mới đổi mới phát triển doanh nghiệp TW cho thấy, từ nay đến hết năm 2015 phải CPH 285 doanh nghiệp nhà nước, trong khi từ năm 2011 đến nay mới CPH được trên 80 doanh nghiệp.
Theo Đề án Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, trong giai đoạn 2011-2015 phải tiến hành CPH 367 doanh nghiệp.
Một nửa thời gian đã trôi qua, nhưng rất ít doanh nghiệp được CPH và tốc độ ngày càng chậm dần, khi trong 7 tháng đầu năm 2013, chỉ có 10 doanh nghiệp được CPH!
Thực tế trên cho thấy, Nghị định 59/2011/NĐ-CP chưa đi vào cuộc sống, bởi số doanh nghiệp CPH năm 2011 hầu hết thực hiện theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP đã trở nên rất bức thiết.
Ông Tiến cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định về xác định giá trị quyền sử dụng đất theo hướng, tất cả diện tích đất mà doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng vào mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh phải chuyển sang cơ chế ký hợp đồng thuê đất có thời hạn. Theo phương án này, đối với diện tích đất mà doanh nghiệp đã được giao sẽ chuyển sang thuê, giá trị quyền sử dụng đất giao còn lại được xác định là số tiền doanh nghiệp đã trả trước tiền thuê đất.
Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, thì để giải quyết vấn đề này, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP cần phải tiếp cận theo hướng, cho doanh nghiệp CPH lựa chọn việc thuê đất trả tiền một lần hoặc hàng năm.
Việc tốc độ CPH bị hạn chế, ngoài nguyên nhân liên quan đến đất đai, thị trường tài chính suy thoái, còn có nguyên nhân quan trọng nữa là, đang có sự “nhập nhèm” giữa sản xuất, kinh doanh và nghĩa vụ công ích của các tập đoàn, tổng công ty.
EVN hiện có 5 tổng công ty, thì 3 tổng công ty điện lực ngoài hoạt động kinh doanh bình thường, còn phải bảo đảm điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nên kết quả hoạt động kinh doanh không cao, vì thế nếu muốn cũng rất khó CPH. Trong khi đó, với Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP.HCM, dù thị trường tài chính có suy giảm hơn nữa vẫn có thể CPH được vì hoạt động của họ rất hiệu quả. “Nhưng EVN không thể CPH Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực TP.HCM, vì lợi nhuận từ 2 đơn vị này dùng để bù cho 3 đơn vị hoạt động không hiệu quả”, đại diện EVN cho biết.
Cũng là đơn vị vừa phải kinh doanh, vừa phải thực hiện nhiệm vụ công ích, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) cho biết, tại khu vực miền núi phía Bắc - khu vực mà Petrolimex gần như độc quyền về mặt hàng xăng dầu thì luôn lo ngay ngáy trong việc bảo đảm đủ nguồn cung, trong khi hiệu quả hoạt động của các đơn vị trên địa bàn rất thấp do phải thực hiện nhiệm vụ công ích.
Ngược lại, Petrolimex cũng phải thực hiện nhiệm vụ công ích ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do chỉ nắm giữ 30% thị phần nên không bao giờ sợ bị thiếu nguồn cung mặt hàng chiến lược này trong khi hoạt động của các đơn vị trên địa bàn khá hiệu quả. Và cũng như nhiều tập đoàn, tổng công ty khác, Petrolimex không dám CPH những đơn vị làm ăn hiệu quả vì phải “giữ nguồn cân đối” và ngược lại, có muốn cũng không CPH được những đơn vị làm ăn không hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, để giải quyết vấn đề này, cần phải tách bạch giữa nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ kinh doanh để thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng, tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa công ích thay vì giao tập đoàn, tổng công ty làm nhiệm vụ công ích.
Đối với những doanh nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích, Nhà nước dùng ngân sách để trợ giá, trợ cước thông qua hình thức đấu giá, thay vì để doanh nghiệp điều tiết lợi nhuận từ đơn vị có lãi sang đơn vị bị lỗ do thực hiện nhiệm vụ công ích. Nếu thực hiện theo cơ chế này, Thứ trưởng Đông cho rằng, hoàn toàn có thể CPH được các đơn vị bị thua lỗ do thực hiện nhiệm vụ công ích và cũng có cơ sở để yêu cầu tập đoàn, tổng công ty phải CPH những đơn vị làm ăn có lãi.
Nam Kinh