Liên Bộ Công thương-Tài chính đã thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu. |
Trước phản ánh của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về mức chiết khấu thấp, thậm chí về 0 đồng và các chi phí kinh doanh chưa được phản ánh đủ trong giá cơ sở, Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết sẽ rà soát, tính toán để điều chỉnh chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu và quyền lợi doanh nghiệp.
Những ngày qua, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm ngừng hoạt động vì thua lỗ, không có nguồn hàng để bán, thậm chí phạm vi “hết hàng”, “nghỉ bán” còn mở rộng tại không ít tỉnh, thành.
Thực trạng này cũng đã được lãnh đạo Bộ Công thương xác nhận và khẳng định đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tính toán lại chi phí kinh doanh xăng dầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, ngày 6/10/2022, Liên Bộ Công thương - Tài Chính đã làm việc và thống nhất một số phương án xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu cũng như sớm ổn định thị trường bán lẻ xăng dầu.
Theo đó, Liên Bộ Công thương - Tài chính thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cũng đã thống nhất là sớm nhất có thể để điều chỉnh phụ phí cũng như chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành xăng dầu sớm nhất có thể, qua đó góp phần giải quyết khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu và tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp từ đầu mối đến thương nhân phân phối, đến doanh nghiệp bán lẻ.
Qua đó sẽ tác động tới chiết khấu, nâng mức chiết khấu của các cửa hàng bán lẻ lên, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Liên Bộ cũng có các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu, và đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ, các cửa hàng phải hài hòa lợi nhuận và chia sẻ trong giai đoạn khó khăn.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho hay, Liên Bộ thống nhất về nguyên tắc và giao cho Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Cục Quản lý Giá ( Bộ Tài chính) làm việc cụ thể để rà soát thống nhất số liệu và phương án, hiện đã có số liệu, cố gắng xử lý sớm nhất có thể.