Quốc tế
Cơ quan Năng lượng Quốc tế kêu gọi cấp thiết cắt giảm nhu cầu dầu mỏ
Lê Quân - 21/03/2022 08:53
Cơ quan Năng lượng Quốc tế kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp quyết liệt để tiết giảm nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu do chiến sự Nga - Ukraine.
Các biện pháp được Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra với hy vọng kéo giảm nhu cầu dầu mỏ thế giới khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng. Ảnh: AFP

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố một kế hoạch hành động khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang nổi lên sau khi Nga tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Kế hoạch của Cơ quan Năng lượng Quốc tế được thiết kế với 10 điểm trọng tâm, trong đó kêu gọi giảm giới hạn tốc độ trên đường cao tốc ít nhất 6 dặm một giờ, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần nếu có thể, và hạn chế sử dụng ô tô ở các thành phố vào ngày chủ nhật.

Các khuyến nghị được Cơ quan Năng lượng Quốc tế đưa ra cho các nền kinh tế phát triển như Mỹ và Liên minh châu Âu với hy vọng bù đắp sự thiếu hụt gần 1/3 nguồn cung dầu mỏ từ Nga do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Moscow.

Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng kêu gọi các quốc gia khuyến khích việc chia sẻ ô tô, sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì máy bay, hạn chế đi công tác bằng máy bay khi có thể, và khuyến khích đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp trên, sẽ giúp kéo giảm nhu cầu dầu thế giới khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng - bằng lượng tiêu thụ của các xe ô tô ở Trung Quốc. Cơ quan này cũng cho rằng, các biện pháp trên sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn nếu các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc áp dụng một phần hoặc toàn bộ các biện pháp đó.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế Fatih Birol cho rằng: "Do tác động từ hành động quân sự của Nga nhằm vào Ukraine, thế giới có thể đang phải đối mặt với cú sốc nguồn cung dầu mỏ lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua, với những tác động to lớn đến nền kinh tế và xã hội".

Tuy nhiên, các biện pháp khẩn cấp mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế nêu ra được cho là sẽ làm gián đoạn hoặc thậm chí kéo hãm sự phát triển của kinh tế thế giới bởi nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là đối với giao thông vận tải đang chiếm tỷ trọng quá lớn. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng những biện pháp khẩn cấp trên giống như những liều thuốc giảm đau đầu, hơn là các biện pháp thay thế.

Các biện pháp khẩn cấp đó cũng cho thấy rằng thế giới có ít lựa chọn khả thi để nhanh chóng thay thế nguồn cung dầu mỏ từ Nga, nhà sản xuất dầu số hai thế giới vào năm 2021.

Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã phát đi tín hiệu rằng họ không vội vàng tăng sản lượng khi việc giải phóng các kho dự trữ dầu khẩn cấp đã phần nào xoa dịu nỗi lo thiếu hụt nguồn cung.

Ông Bob McNally, Chủ tịch Công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy, cho rằng: "Mỹ và các quốc gia thành viên khác của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã nhận ra rằng sự mất mát nguồn dầu xuất khẩu từ Nga gây ra một cú sốc nguồn cung lớn hơn so với hiệu quả từ các quyết định xả kho dự trữ chiến lược hoặc tăng sản lượng của OPEC+".

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã khiến giá dầu thế giới tăng vọt trong tháng qua và có thời điểm vượt mốc 130 USD/thùng. Mặc dù giá dầu đã hạ nhiệt trong vài phiên giao dịch trở lại đây, nhưng vẫn dao động quanh mức 100 USD/thùng do xuất hiện lo ngại mới về nguồn cung năng lượng từ Nga.

Tin liên quan
Tin khác